Việt Nam và Hoa Kỳ mới đây đã tổ chức buổi họp đầu tiên của nhóm làm việc song phương về vấn đề nhận trở lại công dân Việt Nam từ Mỹ.
Đây là lần đầu tiên nhóm này gặp mặt sau khi được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump thiết lập vào ngày 31/5.
Chủ đề nhận lại công dân Việt đã được hai phía nêu trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm Nhà Trắng của người đứng đầu chính phủ Việt Nam.
Hai chính phủ đã có cuộc thảo luận ban đầu về hàng loạt vấn đề liên quan đến việc nhận trở lại công dân Việt Nam có lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Hai bên dự kiến tiếp tục thảo luận trong thời gian tới.Thông cáo của hai bên có đoạn.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, tham dự cuộc họp hôm 5/7 có sự tham dự của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Văn phòng chính phủ Việt Nam. Còn về phía Hoa Kỳ có Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao.
“Hai chính phủ đã có cuộc thảo luận ban đầu về hàng loạt vấn đề liên quan đến việc nhận trở lại công dân Việt Nam có lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Hai bên dự kiến tiếp tục thảo luận trong thời gian tới”, theo cơ quan ngoại giao Mỹ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, cả phía Mỹ và Việt đều không chính thức công bố con số người Việt nhiều khả năng sẽ bị trục xuất về Việt Nam.
Cả trong chiến dịch tranh cử lẫn sau khi nhậm chức tổng thống, ông Trump từng tuyên bố mạnh tay đối với các di dân bất hợp pháp cũng như những người nhập cư vi phạm pháp luật.
Theo các tổ chức thiện nguyện là Trung tâm Hành động vì Nguồn lực Đông Nam Á -SEARAC, APIROC, và Vietlead, hàng trăm người Việt cư trú bất hợp pháp đã bị bắt giữ và có nguy cơ bị trục xuất.
Các cơ quan này cho biết "chỉ trong 2 tuần đầu tiên của tháng Ba, gần 100 người Việt đã bị bắt giữ, phần lớn là tại trại giam York County ở bang Pennsylvania và khu tạm giam Krome ở bang Florida".
Một hiệp định nhận trở lại công dân Việt được Hà Nội và Washington ký năm 2008 cho biết “đối tượng nhận trở lại phải là công dân Việt Nam và đồng thời không phải là công dân Hoa Kỳ hoặc công dân của bất kỳ nước nào khác; trước đây đã cư trú tại Việt Nam và hiện không có nơi cư trú ở nước thứ ba; bị cơ quan có thẩm quyền hoa Kỳ ra lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ do vi phạm pháp luật và nếu thuộc diện bị kết án do phạm tội hình sự (kể cả các vi phạm pháp luật nhập cư) thì trước khi bị trục xuất phải thi hành xong án phạt tù hoặc phải được giảm án phát tù theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ”.
Ngoài ra, hiệp định “không áp dụng đối với những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995, ngày mà hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao”, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Theo thỏa thuận, việc hồi hương công dân Việt Nam “được thực hiện trên cơ sở phù hợp với pháp luật Hoa Kỳ, luật pháp quốc tế và các điều khoản của hiệp định này; có tính đến khía cạnh nhân đạo, tính thống nhất gia đình và hoàn cảnh của từng người trong từng trường hợp cụ thể. Việc hồi hương được thực hiện trong trật tự an toàn và tôn trọng nhân phẩm của người hồi hương.
“Phía Hoa Kỳ chịu toàn bộ chi phí cho việc chuyên chở, xác minh, tiếp nhận và đưa người hồi hương về nơi cư trú và chi phí đưa trở về Hoa Kỳ những người hồi hương do nhầm lẫn”, nội dung hiệp định có đoạn.
Hiện chưa rõ là cuộc họp mới nhất giữa hai bên về nhận trở lại công dân Việt có dựa trên hiệp định này hay không.