Việt Nam tiếp tục kêu gọi cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị can vẫn đang bỏ trốn ra đầu thú trong khi chuẩn bị mở phiên xét xử đối với nữ doanh nhân cùng những người bị cho là đồng phạm trong vụ án tham nhũng liên quan đến mua sắm thiết bị y tế.
Bà Nhàn, được biết là một “nhân vật quan trọng” trong việc thúc đẩy cũng như môi giới các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam trong thập niên qua, hiện đang bị Bộ Công an truy nã quốc tế từ tháng 5. Nữ doanh nhân này bị Bộ Công an ra lệnh khởi tố và bắt tạm giam hồi cuối tháng 4 vì “vi phạm đấu thầu” khi mua sắm trang thiết bị y tế trong quá trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Vụ này được cho là gây thiệt hại tài sản nhà nước trị giá 152 tỷ đồng.
Ngoài bà Nhàn, còn có 35 bị can khác, gồm nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), cùng bị Bộ Công an đề nghị truy tố.
Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao hôm 28/11 ban hành cáo trạng đối với bà Nhàn và 35 bị can khác về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Ngay trước đó, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội ra thông báo về kế hoạch xét xử bà Nhàn, từng được Forbes vinh danh là một trong những nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam, cùng 35 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC và Bệnh viện Đồng Nai. Phiên tòa sẽ được mở ngày 21/12 và dự kiến kéo dài trong 20 ngày liên tiếp.
Tuy nhiên có 8 bị can, trong đó có bà Nhàn, đang bỏ trốn và VKSND Tối cao đề nghị những người này đến cơ quan công an hoặc viện KSND nơi gần nhất để đầu thú và “hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước”, theo Thanh Niên và VTC News. VKSND cho rằng nếu tiếp tục bỏ trốn, bà Nhàn và các bị cáo sẽ “tự bỏ quyền tự bào chữa và bị truy tố theo quy định của pháp luật.” Theo Bộ Công an, bà Nhàn đã “bỏ trốn” từ tháng 6 năm ngoái.
Các bị can bị truy nã, ngoài bà Nhàn, còn gồm có Phó Tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà và các lãnh đạo của các đơn vị liên quan. Các bị cáo đang bỏ trốn bị truy tố tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại điều 222 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Bà Nhàn và ông Hà còn bị truy tố thêm tội “đưa hối lộ”, được quy định tại điều 354 BLHS, lên đến hơn 43 tỷ đồng.
Cáo trạng của VKSND được Thanh Niên trích dẫn cho biết bà Nhàn đã thiết lập quan hệ với lãnh đạo tỉnh và các sở ngành của Đồng Nai rồi “câu kết, thông đồng với chủ đầu tư…” thiết lập “quân xanh” tham gia đấu thầu và trúng 16 gói thầu, thu lợi bất chính gần 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Nhàn còn bị công an Việt Nam khởi tố và điều tra trong một vụ án khác xảy ra ở Quảng Ninh cũng về vi phạm đấu thầu. Trong vụ án này, bà Nhàn và các bị can bị cáo buộc có hành vi “thông đồng” và “móc ngoặc” để nâng giá khi mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Sản nhi của tỉnh, với tổng mức đầu tư hơn 238 tỷ đồng.
Theo chuyên gia pháp lý được VnExpress trích dẫn nhận định, việc bà Nhàn cùng 7 người khác bỏ trốn và không có lời khai sẽ “không làm thay đổi bản chất vụ án” và có thể xét xử vắng mặt. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng đây là trường hợp hy hữu vì thông thường khi bị can bỏ trốn, cơ quan tố tụng sẽ tạm đình chỉ điều tra để “chờ bắt được mới xử lý sau.”
Hiện không rõ bà Nhàn đang ở đâu nhưng hồi đầu tháng này Việt Nam yêu cầu Mỹ phối hợp truy bắt tội phạm kinh tế, những người được cho là “lợi dụng Hoa Kỳ làm địa bàn lẩn trốn.”
Vụ án nằm trong chiến dịch chống tham nhũng được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động vào năm 2016 khi giành được nhiệm kỳ thứ 2 lãnh đạo Đảng Cộng sản.