Việt Nam: Sau ‘bầu cử giả’ sẽ có cải cách thể chế?

Các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam: Từ trái: CTN Lương Cường, TT Phạm Minh Chính, TBT Tô Lâm. Hình chụp tháng 10, 2024 bên ngoài tòa nhà Quốc hội tại Hà Nội.

Từ nay đến Đại hội 14, nếu tân “Tứ trụ” không đưa ra được đột phá nào để chuẩn bị cải cách chính trị (còn gọi là Đổi mới 2), thì lòng tin của người dân vào Đảng sẽ tiếp tục suy giảm.

Nhượng quyền để “cân bằng Tứ trụ”?

Đại tướng Tô Lâm “nhường ghế Chủ tịch nước” cho Đại tướng Lương Cường chiều 21/10 được dư luận trong nước cho rằng đấy chỉ là “cuộc bầu cử giả hiệu”. Đúng vậy! Một quyết định cũ của Bộ Chính trị từ một thông báo ngầm trước đây khá lâu, trước cả thời điểm Bộ trưởng Công an Tô Lâm được Ban Chấp hành Trung ương Đảng “suy tôn” và “bầu” giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), với tỷ lệ tán thành 100% (1). Sự đảo lộn liên tục các vị trí trong “Tứ trụ” suốt hơn năm qua dưới các kịch bản tài tình của “Tổng đạo diễn” Tô Lâm từng đặt ra nghi vấn về sự bền vững của mô hình “lãnh đạo tập thể” mà ĐCSVN vẫn thường xuyên xiển dương. Vấn đề là, việc Tổng bí thư Tô Lâm vừa “trao ghế Chủ tịch nước” cho Đại tướng Lương Cường có phải để “quân bình quyền lực” giũa công an và quân đội, nhằm đi tới “cân bằng Tứ trụ”? Động thái “san sẻ lợi quyền” này phải chăng để tạo nên một “Bộ tứ” mới thật sự đoàn kết, có tính chính danh, hay đấy chỉ là lớp vỏ bọc cho mô hình quyền lực tập trung vào cá nhân hoặc một phe phái cụ thể?

Người viết nghiêng về khả năng thứ hai. Trước lúc nhượng quyền vào buổi chiều, sáng 21/10, Tô Lâm còn tranh thủ giải bày với các đại diện của Lập pháp một vài bức xúc về các “nút chai” do thể chế, hạ tầng và nhân lực gây tắc nghẽn (2). Các café vỉa hè Hà Nội và Sài Gòn lại được dịp râm ran: “Ê kíp lãnh đạo nào lên cũng phán như thánh sống, nghĩa là toàn những “lời hay ý đẹp’, “yêu nước thương nói”… Những lần nhậm chức, ông nào cũng bắt chước các Tổng thống Mỹ, đặt tay lên “Kinh Thánh”… À xin lỗi, cộng sản vô đạo, nên “Kinh thánh” của các vị ấy hình như chỉ là bản Hiến Pháp mấy năm lại “tu chính án”, và giờ này thì chẳng ai tìm thấy “cái hồn cốt” của Hiến Pháp đa nguyên, đa đảng năm 1946 ở đâu nữa cả. “Cân bằng Tứ trụ” hay là “Lãnh đạo Tập thể” chỉ là bùa chú cho dân thường, đảng viên yên tâm, chứ thực chất, từ ông Hồ đến ông Duẩn, từ Trường Chinh đến Lê Đức Anh, các vị ấy đều dẹp “nhất thể hóa” sang một bên. Dân gian hát đồng giao: “Bộ tứ là tự Bố” (một cách nói lái tiếng Việt) đúng phắp cho các trường hợp ấy.

Khi đã làm chủ “thanh kiếm” và “lá chắn” trong tay, chẳng cần chức Tổng bí thư, Lê Đức Anh vẫn làm Vua một thuở. Đại tướng họ Lê còn bổ sung cho Tổng Cục 2 một chức năng “vô tiền khoáng hậu” là lập hồ sơ đen về các Ủy viên Bộ Chính trị nào là người của CIA cài cắm (?!) (3) Đối với trường hợp của Tô Lâm lại càng “ba mươi chưa phải là Tết”. Đừng thấy ông trao "thanh bảo kiếm" cho Lương Cường mà ồn ào rằng Tô Lâm "xuống nước", còn khuya! Thực tế, đấy có thể chỉ là một bước đi chiến lược để củng cố quyền lực và mở đường cho những động thái tiếp theo của Tổng bí thư Tô Lâm vẫn còn nhiều nước cờ chưa lật, và sự nhạy bén chính trị của ông không nên bị xem nhẹ. Hãy chờ xem, mọi thứ vẫn còn rất nhiều khả năng bất ngờ và phức tạp phía trước. Tuy nhiên, quyền lực là một thứ dễ gây nghiện nhất. Tuy hai tháng “kiêm nhiệm” chưa đủ ngấm, nhưng từ cách “tâm tư” của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vẫn đề lộ một sự nuối tiếc, giá như cứ để ông “nhất thể hóa” thời gian nữa, ông có thể đóng vai “Nữ Oa” đội đá vá trời? (4)

Điểm nghẽn trước áp lực cải cách

Dù bức xúc là thế, Tô Lâm vẫn không vượt thoát được “bóng đè chủ nghĩa”. Trước Quốc hội, dù không “tụng niệm” tư duy Mác – Lê, Tổng bí thư, Chủ tịch nước vẫn không dám phá bỏ các “húy kỵ” do chính mô hình lạc lõng mấy chục năm của thể chế độc đảng sinh ra. Cái mô hình tù mù ấy không có cách gì để giải quyết triệt để tính minh bạch và tính hiệu quả trong quản trị nhà nước. Đáng ra Tô Lâm phải khuyến khích Quốc hội làm cuộc giải phẫu các thất bại từ các Đại hội Đảng những năm gần đây để thấu triệt cội nguồn của “điểm nghẽn thể chế”. Tắc nghẽn của mọi tắc nghẽn chính là mô hình toàn trị và việc “đeo bám” hệ tư tưởng đi ngược lại với văn minh nhân loại mà ngay cả các trí thức lẫn đảng viên lão thành như cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin hay GS-TS Nguyễn Đình Cống và nhiếu nhân sỹ trí thức khác từng phê phán (5). Ông Tô Lâm né tránh chủ nghĩa Mác – Lê lúc phát biểu xem ra đâu phải là sự chuyển biến trong tư duy lãnh đạo, đấy chỉ là tín hiệu mị dân, chứ hoàn toàn không phải là biểu hiện của tầm nhìn cải cách thực sự!

Chỉ khi nào ông Tô Lâm hóa giải được mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa dân chủ hóa và chế độ toàn trị thì mới có hy vọng cải cách thể chế! Sự thay đổi thể chế chỉ có thể thực hiện nếu hệ thống chính trị cho phép sự tham gia thực sự của dân chúng, với những tiếng nói phản biện lành mạnh. Tuy nhiên, Nghị định Lập hội 126 vừa được ban hành lại tăng cường hạn chế các tổ chức xã hội dân sự, tạo thêm những rào cản cho các tiếng nói độc lập. Ngoài ra, “hội chứng kẻ thù” vẫn ám ảnh ông Tô Lâm. Vừa tuyên bố thể chế là điểm nghẽn cần đột phá, nhưng Tổng bí thư lập tức giật mình bởi theo ông, “qua công tác cho thấy, các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật để tác động, hướng lái, thậm chí chống phá, xác định đây là con đường ‘ngắn nhất’, ‘nhanh nhất’ để chuyển hóa chính trị của Việt Nam”. Tuy giật mình, nhưng ông Tô Lâm vẫn phải thừa nhận, “thể chế không phù hợp có thể gây ra những khúc quanh đối với phát triển của đất nước” (6). Đúng là lập luận kiểu “gà mắc tóc!”

Lựa chọn cải cách hay tiếp tục theo con đường độc tài? Tương lai phụ thuộc vào việc ĐCSVN có thể tiến hành Đổi mới toàn diện để “con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại” như phát biểu của chính Tô Lâm (7). Một chính thể bị “vũ trang hóa” cao độ, thiếu hẳn các khuôn mặt kỹ trị, sẽ thật khó hứa hẹn cải cách và đổi mới. Các tập đoàn quốc tế lớn sẽ chuyển hướng đầu tư sang các nước láng giềng. Điểm nghẽn về thể chế là yếu tố lớn cản trở dòng vốn đầu tư và tăng trưởng. Tô Lâm có thể đã nhận ra điều này, nhưng liệu ông có dám đối mặt với những thách thức từ các lực lượng khác trong hệ thống? Việc đóng cửa các tổ chức xã hội dân sự và triệt tiêu tiếng nói độc lập, chỉ càng củng cố thêm mối lo ngại về sự bất động trong việc mở đường đi tới “Đổi mới lần thứ hai” của ĐCSVN. Khi Đảng không thể chứng minh được khả năng thay đổi, nguy cơ về sự mất niềm tin sẽ ngày càng tăng cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn tại của Đảng, mà còn tạo ra những bất ổn trong xã hội, và đến lúc ấy, quyền lực của Đảng chỉ còn dựa trên sức mạnh và sự kiểm soát của những “Thanh kiếm” và “Lá chắn”.

Tham khảo:

(1) https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/le-nguyen-huong-tra-lai-bao-truoc-so-2-len-thay-so-1/#google_vignette

(2) https://baotintuc.vn/thoi-su/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tai-phien-khai-mac-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-20241021111014082.htm

(3) /a/l%C3%AA-%C4%91%E1%BB%A9c-anh-l%C3%A0m-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-gi%E1%BB%8Fi-l%C3%A0m-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-t%E1%BB%93i-/4886896.html

(4) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-do-you-see-from-to-lam-resignation-as-president-10232024092631.html

(5) https://baotiengdan.com/2024/10/16/huong-ung-phat-bieu-cua-ngai-to-lam-va-gop-vai-de-nghi/#google_vignette

(6) https://baotintuc.vn/thoi-su/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tai-phien-khai-mac-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-20241021111014082.htm

(7) https://tuoitre.vn/toan-van-phat-bieu-chinh-sach-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tai-dai-hoc-columbia-202409241044401.htm