Bộ Y tế của Việt Nam đang soạn thảo một bộ luật bảo vệ quyền của người chuyển đổi giới tính, một bước tiến mà cộng đồng LGBT "đã mong chờ từ nhiều thế hệ.”
Trước đó, Bộ luật Dân sự có hiệu lực thi hành từ đầu năm nay đã công nhận việc chuyển đổi giới tính ở Việt Nam. Điều này đáp ứng nhu cầu và mong muốn của khoảng 0,3-0,5% trong tổng số hơn 90 triệu người dân trong nước, theo ước tính của các tổ chức khoa học uy tín.
"Cộng đồng đã chờ đợi (điều này). Đối với nhiều người là hàng chục năm nhưng nếu nhìn từ khía cạnh cả 1 cộng đồng thì đã chờ rất nhiều thế hệ rồi."Lương Thế Huy, cố vấn pháp lý của iSEE
"Bộ luật dân sự mặc dù nói là thừa nhận quyền của 1 người chuyển đổi giới tính nhưng chưa quy định rõ trong điều kiện nào," anh Huy cho biết. "Dự thảo này đã có 1 số đề xuất, tuy mới chỉ là đề xuất ban đầu. Tôi thấy đây là một tín hiệu tích cực. Ít nhất là chúng ta biết được rằng về phía nhà nước họ đang triển khai những gì họ cam kết trong bộ luật dân sự."
Dự thảo của Luật chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế soạn, những người mong muốn chuyển đổi giới tính cần đáp ứng những điều kiện như có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sỹ tâm thần về mong muốn có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Tuy nhiên, theo quy định của dự thảo luật này, những người đã lập gia đình không được phép chuyển đổi giới tính.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 270.000-300.000 người đã thực hiện chuyển đổi giới tính ở nước ngoài, theo thống kê của Bộ Y tế. Tuy nhiên những người chuyển đổi giới còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, việc làm, tiếp cận y tế và an sinh xã hội.
"Nhìn chung trong mọi khía cạnh cuộc sống, người chuyển giới là nhóm bị phân biệt đối xử nhiều nhất trong 4 nhóm của LGBT (đồng giới nam và nữ, lưỡng tính, chuyển giới)," theo anh Huy. "Nó cũng thể hiện kiến thức và thái độ của xã hội đối với người chuyển giới do bị tác động bởi những định kiến từ xưa."
Có những ý kiến chống đối cho rằng tại sao “lại phải có luật riêng cho người chuyển giới, tiêu tốn thời gian của nhà nước, tại sao báo chí phải đưa tin, nó là chuyện của 1 nhóm rất nhỏ mà tại sao cả xã hội phải quan tâm đến.” Anh Huy cho rằng tuy họ là một nhóm nhỏ nhưng vẫn có vai trò quan trọng trong xã hội.
"Như chúng ta biết rằng bất kỳ nhóm nào chúng ta cũng không bỏ họ lại sau lưng bởi vì họ vẫn là một phần nguồn lực của xã hội và là một phần của xã hội."
Nhiều những người chuyển giới đang là những nghệ sỹ nổi tiếng trong làng âm nhạc, thời trang, và truyền hình. Có thể kể đến những cái tên như Hương Giang Idol, ca sỹ Lâm Khánh Chi, người mẫu Trâm Anh từ cuộc thi Việt Nam Next Top Model…
Theo đánh giá của anh Huy, từng là giám đốc chương trình quyền LGBT của iSEE, hình ảnh người chuyển giới trước đây chỉ thu hẹp trong làng giải trí thì giờ đây “không còn ẩn mình” mà đã tham gia đóng góp trong nhiều lĩnh vực của xã hội.
Luật Chuyển đổi giới tính, nếu được thông qua, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Anh Huy hy vọng luật sớm được thông qua để những người chuyển giới được “thực thi quyền của mình.”
"Cộng đồng đã chờ đợi (điều này). Đối với nhiều người là hàng chục năm nhưng nếu nhìn từ khía cạnh cả 1 cộng đồng thì đã chờ rất nhiều thế hệ rồi."
Your browser doesn’t support HTML5