Việt Nam siết chặt mức giới hạn cổ phần của nhà đầu tư trong ngân hàng

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội

Quốc hội Việt Nam thông qua các quy định mới hôm thứ Năm 18/1 nhằm giảm mức cổ phần tối đa mà nhà đầu tư có thể nắm giữ tại các ngân hàng trong nước, một động thái nhằm giảm rủi ro về thao túng thị trường, nhưng có thể khiến việc đầu tư vào các ngân hàng và tổ chức tín dụng trở nên kém hấp dẫn hơn.

Theo cải cách nêu trong Luật Các tổ chức Tín dụng sửa đổi, sẽ có hiệu lực từ tháng 7 năm nay, các cổ đông ở cấp độ tổ chức, như quỹ đầu tư hoặc quỹ hưu trí, sẽ được phép nắm giữ tối đa 10% vốn chủ sở hữu của ngân hàng, giảm so với mức giới hạn hiện tại là 15%.

Hơn 90% đại biểu Quốc hội tán thành luật sửa đổi.

Động thái này diễn ra sau vụ bê bối gian lận tài chính bị đưa ra công luận cuối năm 2022, là vụ lớn nhất Việt Nam cho đến nay, trong đó đại gia bất động sản Trương Mỹ Lan bị cáo buộc rút ruột 12,5 tỷ đô la từ một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), vì bà ấy trên thực tế đã nắm quyền kiểm soát ngân hàng này thông qua những người thân tín làm bình phong cho bà.

Những người ủng hộ luật sửa đổi kỳ vọng rằng các giới hạn chặt chẽ hơn về quyền sở hữu có thể khiến việc thao túng tương tự như vụ SCB khó tái diễn, trong khi đó, những người phản đối lại cảnh báo rằng điều đó có thể không hiệu quả vì các giới hạn hiện tại đã không ngăn chặn được gian lận.

Những người phê phán quy định mới, bao gồm cả một số đại biểu Quốc hội, cũng cảnh báo trong các cuộc tranh luận công khai rằng sự cải cách này có thể có tác động tiêu cực đến việc giảm đầu tư vào ngân hàng giữa thời điểm hệ thống ngân hàng Việt Nam phải đối mặt với nợ xấu gia tăng và rủi ro lan tỏa từ cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản kéo dài.

Các biện pháp mới đi ngược lại với yêu cầu mà các nhà đầu tư nước ngoài nêu ra thường xuyên, đó là cần nới lỏng hoặc bãi bỏ mức trần 30% hiện nay đối với tổng sở hữu của nước ngoài trong các ngân hàng.

Mức trần đó không được điều chỉnh trong cải cách lần này, nhưng giới hạn chặt hơn về mức sở hữu cổ phần trong tổ chức tín dụng có thể hạn chế hơn nữa đầu tư nước ngoài vì các nhà đầu tư nước ngoài thường ở sát mức giới hạn tối đa hiện tại hơn so với các nhà đầu tư trong nước.

Phần nào tính đến những mối lo ngại này, các đại biểu Quốc hội đã quyết định không hạ thấp một giới hạn khác đối với mức sở hữu của mỗi cá nhân, vẫn giữ mức 5% mặc dù có kế hoạch ban đầu là giảm xuống 3%.

Các quy định mới cũng trao thêm quyền hạn cho ngân hàng trung ương Việt Nam được can thiệp nhanh chóng trong trường hợp xảy ra việc rút tiền mặt ồ ạt từ ngân hàng hoặc khi có dấu hiệu từ sớm là tổ chức tín dụng gặp khó khăn.

Vụ bê bối SCB đã dẫn đến một cuộc rút tiền ồ ạt buộc ngân hàng trung ương phải tiếp quản ngân hàng này.