Cách nay ba ngày (1/6/2024) người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam kháo nhau rằng ông Trương Huy San (nhà báo có bút danh là Huy Đức, blogger có nickname là Osin) và ông Trần Đình Triển (luật sư, cựu Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội) cùng bị bắt [1].
Tuy nhiên đến nay – ngày 4/6/2024 - các thông tin vừa kể vẫn chỉ là... “tin đồn” bởi giới hữu trách tại Việt Nam chưa công bố bất kỳ thông tin chính thức nào. Có thể vì giới hữu trách đang tận dụng quy định liên quan đến “tạm giữ hình sự”.
Theo luật Tố tụng hình sự, công an Việt Nam có quyền “tạm giữ hình sự” bất kỳ ai trong vòng ba ngày. Nếu không đủ căn cứ để khởi tố thì sau đó phải trả tự do cho người bị tạm giữ, trừ trường hạn đặc biệt, có thể gia hạn tạm giữ thêm ba ngày nữa [2].
Chuyện ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển đột nhiên “mất tích” tạo ra làn sóng với vô số đồn đoán, bình phẩm, trong đó nổi lên hai vấn đề: Thứ nhất, nếu họ bị bắt, thì vì sao họ bị bắt? Thứ hai, nếu họ bị bắt, thì tại sao lại bắt giữ họ vào thời điểm này?.
Ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển đều có rất đông bạn bè, người theo dõi trên mạng xã hội. Nếu điểm lại những status mà cả hai từng post trong khoảng nửa tháng vừa qua, hẳn sẽ nhận ra sự tương đồng.
***
Ngày 18/5/2024, BCH TƯ đảng khóa 13 công bố kết quả hội nghị lần thứ chín (16/5/2024-18/5/2024), theo đó các Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13 “thống nhất rất cao trong việc giới thiệu ông Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, nhân vật đang đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an – để Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam bầu làm Chủ tịch Nhà nước (CTNN) [3]. Hôm sau (19/5/2024), trong cuộc họp báo giới thiệu chương trình nghị sự kỳ họp thứ bảy của Quốc hội khóa 15, ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội – loan báo: Quốc hội sẽ bầu ông Tô Lâm làm CTNN song sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm, đồng thời cũng chưa phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng Công an thay thế ông Tô Lâm [4].
Cũng trong ngày 19/5/2024, ông Trương Huy San giới thiệu suy nghĩ của ông. Theo đó, ông đã đọc rất kỹ cả tường thuật về cuộc họp báo mà ông Bùi Văn Cường chủ trì lẫn hiến pháp, đồng thời đã tìm hiểu các tiền lệ nhưng “vẫn không hiểu được cách giải thích của ông Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường”. Bởi ông Cường đề cập đến tiền lệ (ông Trần Hồng Hà, vừa là Phó Thủ tướng, vừa kiêm Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường cho đến khi có người thay ông Hà làm Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường) nên ông Trương Huy San nói thêm: “Không rõ cách ông Bùi Văn Cường trả lời báo chí trên đây là ý kiến cá nhân ông hay ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có nên coi đây là cách mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp và lúc này thì những công dân sợ hãi như chúng ta phải hiểu Hiến pháp theo cách đó không? Nếu vậy thì điều này chắc chắn tạo ra một tiền lệ tương tự như khủng hoảng Hiến pháp”... Đồng thời ông Trương Huy San lưu ý: “Hiến pháp không cấm Chủ tịch nước kiêm bộ trưởng, cũng như Hiến pháp không cấm Thủ tướng làm chánh án. Nhưng quyền lực nhà nước là chỉ được làm những gì pháp luật cho phép chứ không phải làm những gì pháp luật không cấm” [5].
Tuy trang Facebook của ông Trương Huy San đã bị đóng nhưng có thể tìm đọc status vừa trích dẫn trên trang Tiếng Dân [6]. Nếu chịu khó theo dõi mạng xã hội hẳn sẽ thấy, sau 19/5/2024, rất nhiều người sử dụng mạng xã hội đã nêu chính kiến về việc ông Tô Lâm không thể vừa là CTNN, vừa là Bộ trưởng Công an. Việc ông Tô Lâm bị miễn nhiệm Bộ trưởng Công an không phải do dư luận nhưng chắc chắn dư luận là một phần trong việc Thủ tướng đột nhiên đề nghị miễn nhiệm ông Tô Lâm và Quốc hội điều chỉnh nghị trình!
Điều tương tự cũng đã xảy ra với trang Facebook của ông Trần Đình Triển nhưng theo lưu trữ của người viết bài này thì ngày 14/5/2024, ông Trần Đình Triển từng viết “Phải chăng các vua Hùng đã lựa chọn”.
Trong status, ông Triển đề cập đến chuyện Bộ Chính trị có họp không chính thức về việc sắp đặt nhân sự giữ các trọng trách của đảng và nhà nước vào ngày 11/5/2024 hay không và tại sao “những nội dung quan trọng về nhân sự lại bị rò rỉ”(?). Tuy nhấn mạnh “không quan tâm đến chính trị, ai được Đảng, Nhà nước và nhân dân để bạt làm lãnh đạo thì tôi đều trân trọng và quý mến” nhưng ông Trần Đình Triển cho rằng: “Những vị trí nhân sự lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước trước khi bổ nhiệm, không nên đưa vào danh mục ‘Bí mật nhà nước’. Căn cứ Luật Trưng cầu dân ý, Luật Tiếp cận thông tin; ‘Đảng ta là lực lượng duy nhất lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện hệ thống chính trị’; ‘Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân’,…thì những người đứng đầu các tổ chức Đảng và Nhà nước cần công khai lấy ý kiến rộng rãi của Đảng viên và công dân trước khi bầu cử tại tổ chức có thẩm quyền. Nếu làm được vậy, có thể không xảy ra nhiều vị lãnh đạo bị kỷ luật như thời gian qua; vì quần chúng là tai mắt nhìn nhận, phản ánh mọi hoạt động của xã hội”.
Trong status vừa dẫn, ông Triển còn giới thiệu tấm ảnh dâng hương tại Đền Hùng và viết thêm: “Giả sử thông tin cuộc họp Bộ Chính trị ngày 11/5/2024 bị tiết lộ là chính xác, nếu mọi người tinh ý đã phỏng đoán được từ 29/4/2024 (tức 10/3 âm lịch, ngày giỗ tổ Hùng Vương)”. Trong tấm ảnh ấy, từ trái qua phải là Đại tướng Lương Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhân vật chủ lễ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm [7].
Chú thích
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-to-tung-hinh-su-2015-296884.aspx
[5] https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=7411870405514743&id=10000075570124
[6] https://baotiengdan.com/2024/05/19/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-dang-giai-thich-hien-phap/