Sau khi Thủ tướng đương nhiệm đột nhiên đề nghị Quốc hội miễn nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an của ông Tô Lâm và Quốc hội nhất trí sửa đổi nghị trình để thực hiện đề nghị này, ngày 22/5/2024, ông Tô Lâm được bầu và trở thành Chủ tịch Nhà nước (CTNN) thứ 13 của Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Thiên hạ tin rằng, những diễn biến bất thường ấy cho thấy, cuộc chiến giành quyền lực ở thượng tầng đã đến giai đoạn khốc liệt. Dẫu khả năng ông Tô Lâm trở thành người kế nhiệm ông Trọng lớn hơn trước nhưng không có gì bảo đảm điều đó sẽ thành sự thật vì dư luận không ủng hộ ông, còn đồng chí thì thuộc phạm trù khó lường.
Trong bối cảnh đó, ngày 28/5/2024, ông Trương Huy San viết “Những suy nghĩ không rời rạc”. Theo lời Trương Huy San: “Một vị tướng lão thành từng giữ một vị trí đầy quyền lực trong ngành công an vừa điện thoại tâm sự với tôi rằng: Nếu như tinh thần xây dựng một nhà nước pháp quyền từng thắng thế trong thập niên 2000s thì nay, tinh thần đó đã bị bóp chết. Trước Hiến pháp 1992, nhà nước của chúng ta là nhà nước chuyên chính vô sản. ‘Pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị hay lực lượng cầm quyền’. Cho dù không tuyên bố thì sau Hiến pháp 1992, từ hình luật, dân luật cho đến các luật chuyên ngành khác đều được Việt Nam xây dựng trên tinh thần hướng tới nhà nước pháp quyền. Đặc biệt, Quốc hội đã phải sửa hàng trăm điều luật cho tương thích dần với các quốc gia mà ta làm ăn với họ (BTA với Mỹ, WTO, TTP…). Những nỗ lực này kết thúc từ 2006 và những gì ta đang chứng kiến cho thấy, hồn ma ‘pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền’ đang dần hiện về”.
“Những suy nghĩ không rời rạc” không chỉ có thế. Đó là tâp hợp một số suy nghĩ của Trương Huy San từ giữa thập niên 2010. Lúc ấy, ông Trương Huy San từng nhận xét “việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là một bước lùi về chính trị” và “không chóng thì chày sẽ có Ba X tân thời thay cho Ba X cũ”. Nay, trước thực tại như ai cũng thấy, Trương Huy San nói thêm: “Những người biết chuyện cung đình đánh giá cao sự giữ gìn của ông Nguyễn Phú Trọng và vợ con ông (ít nhất là cho đến nay). Nhưng, quản trị quốc gia (trong đó có chống tham nhũng) phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào ‘tấm gương đạo đức’ của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa. Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có ‘đổi mới II’ trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa”.
Ngoài khái quát về “tinh thần pháp quyền đã chết” và “đức trị hay pháp trị”, trong “Những suy nghĩ không rời rạc”, Trương Huy San lập lại cảnh báo “Đường xa phải nghĩ nỗi sau này”. Cụ thể: “Đừng sợ mất vai trò của Đảng. Một đảng tốt là một đảng đảm bảo có một hệ thống tư pháp có thể cung cấp công lý chứ không phải là một đảng khi muốn thì thọc tay vào vụ án. Các tướng lĩnh cũng không nên cố công bảo vệ đặc quyền cho công an. Quan nhất thời. Hãy nhìn gương tướng Quắc, tướng Trần Văn Thanh. Rất có thể có ngày quý vị trở thành nạn nhân của hệ thống tư pháp mà quý vị đang thiết kế. Tất nhiên, cũng như nhiều trường hợp khác, ý kiến của thường dân như chúng ta, thường rơi vào hư không”. Nhân hiện tượng thầy Thích Minh Tuệ, Trương Huy San nhắn thêm: “Khi nhiều quyền lực nhất hay nhiều tiền bạc nhất mà chỉ cậy quyền, cậy tiền thì cũng coi như đang làm những việc thất đức, tổn phúc là điều không tránh khỏi” [1], [2].
Cũng trong ngày 28/5/2024, ông Trần Đình Triển viết “Quan tham là lũ lưu manh côn đồ trong đảng”. Trong status này, sau khi nêu câu hỏi: “Tham nhũng là ai?”, ông Triển tự trả lời: “Là kẻ có chức có quyền, là Đảng viên, là cán bộ công chức. Là những kẻ có quyền uy mà nhà nước trao cho; kiến thức chuyên môn thì dốt nát - nhưng thủ đoạn chính trị thì thâm sâu; bẻm mép và dối trá; hủ hoá và đĩ bợm; lươn lẹo và mưu mô; hở ra là đớp không từ một thứ gì của nhà nước và của dân. Mua quan bán chức, bè phái, cha truyền con nối,... hình thành một đội ngũ có tính giai cấp lưu manh và thượng lưu mới tàn bạo, độc ác, bất nhân bất nghĩa nhất chưa từng có trong các hình thái xã hội của lịch sử loài người. Mang danh Đảng chống lại Đảng; mang danh nhà nước chống lại nhà nước, mang danh vì dân nhưng bóc lột và chống lại nhân dân;... Mang danh đầy tớ của dân, nhưng xử sự với dân không khác gì côn đồ; ăn trên ngồi trốc, hống hách và trịch thượng. Mỗi tên quan tham là một tên lưu manh côn đồ giả danh lương thiện!” [3].
***
Đã có không ít đồn đoán về chuyện ông Tô Lâm củng cố quyền lực tại Bộ Công an, sử dụng bộ này như công cụ hỗ trợ ông loại bỏ các đối thủ chính trị thông qua “chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Sau khi phải rời khỏi Bộ Công an, ông Tô Lâm vẫn tìm mọi cách để có thể tiếp tục chi phối Bộ Công an [4] nhằm “tạo ra sức ép”, qua đó có đủ sự ủng hộ và trở thành người kế nhiệm ông Trọng. Tuy nhiên thiên hạ chỉ có thể tìm thấy hình ảnh và thông tin về “Hội nghị Cán bộ chủ chốt lấy ý kiến giới thiệu nhân sự kiện toàn chức danh Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026” diễn ra vào ngày 28/5/2024 trên mạng xã hội [5]. Theo... “tin đồn”, thay vì để Bộ Chính trị lựa chọn và phân công, Ủy viên Bộ Chính trị nào sẽ là Bộ trưởng Công an thì Bộ Công an tổ chức hội nghị để Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố bỏ phiếu đề cử và nhân vật vừa được đề cử (Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an) sẽ chiếm một trong những ghế còn trống ở Bộ Chính trị.
Tin mới nhất và cũng là tin chính thức – ông Nguyễn Duy Ngọc, Thượng tướng, Thứ trưởng khác của Bộ Công an, đồng thời còn là một đồng hương khác của ông Tô Lâm (Hưng Yên) vừa được đề cử làm Chánh Văn phòng BCH TƯ đảng – tin này hợp thức hóa một phần các tin đồn [6].
Dường như việc chia sẻ bất kỳ nhận xét, đề nghị nào dẫu thành tâm, thiện ý và về lý, chẳng có gì sai song có thể tác động đến nhận thức của cả đồng chí lẫn đồng bào, gây nguy hại cho “sự nghiệp chính trị” của ông Tô Lâm đều có thể dẫn tới “mất tích” dù “khi quân” không có trong luật hình sự Việt Nam!
Chú thích
[2] https://baotiengdan.com/2024/05/28/nhung-suy-nghi-khong-roi-rac/