Có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam lần lữa, hờ hững với sáng kiến “cộng đồng chung vận mệnh” được nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc Tập Cận Bình chào mời trong nhiều năm qua, theo nhận xét của một số nhà nghiên cứu, nhà quan sát đưa ra với VOA chỉ ít ngày trước khi ông Tập đến thăm Hà Nội.
Những biểu hiện mới đây nhất là khi Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng thăm Trung Quốc hồi tháng 10 và khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Hà Nội vào ngày đầu tháng 12, hãng thông tấn Tân Hoa của Trung Quốc đều trích đăng lời các lãnh đạo nước này nói Việt Nam cần hợp tác với họ để xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh”, trong khi đó, ngược lại, báo chí nhà nước Việt Nam hoàn toàn không đề cập đến điều này.
Trước đó, vào cuối tháng 6, trong thông cáo báo chí chung sau chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tới Bắc Kinh, Hà Nội nói rằng họ “đánh giá cao” sáng kiến “cộng đồng chung vận mệnh” và một số sáng kiến khác của Trung Quốc, nhưng không khẳng định sẽ ủng hộ hoặc sẽ tham gia mà chỉ nói thêm rằng “hai bên sẽ đi sâu trao đổi về các biện pháp cụ thể hơn”.
Xa hơn nữa, vào đầu tháng 11 năm ngoái, trong toàn bộ Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc dài hơn 6.000 từ nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc, hoàn toàn không có lời nào đề cập đến sáng kiến “cộng đồng chung vận mệnh”.
Vấn đề quan trọng nhất là ‘cộng đồng chung vận mệnh’ cụ thể nó là cái gì. Có lẽ là nó còn nhiều điều mơ hồ. Điều thứ hai, quan điểm của Việt Nam rất rõ là Việt Nam không chọn bên.Thạc sĩ Hoàng Việt
Mặc dù vậy, trong điểm thứ ba của bản tuyên bố chung này, có đoạn nói rằng Việt Nam và Trung Quốc vừa là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt “cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung”.
Với việc Việt Nam vẫn tỏ ý giữ khoảng cách với “cộng đồng chung vận mệnh” dù chỉ còn ít ngày nữa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 12 và 13/12, một số nhà nghiên cứu và nhà quan sát nhận định với VOA rằng Hà Nội có những tính toán khi thực hiện động thái như vậy.
Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên thuộc Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, suy luận về hai nguyên nhân chính:
“Vấn đề quan trọng nhất là ‘cộng đồng chung vận mệnh’ cụ thể nó là cái gì. Có lẽ là nó còn nhiều điều mơ hồ. Điều thứ hai, quan điểm của Việt Nam rất rõ là Việt Nam không chọn bên. ‘Cộng đồng chung vận mệnh’ là cái Việt Nam phải suy nghĩ vì liệu tham gia vào có thể gọi là chọn bên hay không, hoặc sẽ khiến các quốc gia khác nghĩ Việt Nam chọn bên hay không”.
Cộng đồng chung vận mệnh là gì?
Ông Tập lần đầu nêu lên khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh”, hay còn gọi là “cộng đồng chung tương lai”, vào cuối năm 2012, dựa trên ước mơ từ hàng nghìn năm nay của người Trung Hoa về một thế giới trong đó mọi người sống với nhau tuyệt đối hòa thuận và yêu thương nhau như người nhà, theo một bài báo của Tân Hoa Xã hồi giữa tháng 1/2017.
Là những thành viên trong cùng một ngôi làng toàn cầu, chúng ta cần nuôi dưỡng sự nhận thức về cộng đồng chung vận mệnh, đi theo xu hướng thời đại, giữ định hướng đúng đắn, đoàn kết cùng nhau trong những lúc khó khăn.Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Bài báo nói rằng ông Tập hình dung về một thế giới với tương lai là do tất cả các nước cùng chung tay xây dựng một cách bình đẳng và mọi quốc gia đều cần phải đối thoại thay vì đối đầu với nhau, và tạo dựng các quan hệ đối tác thay vì lập các liên minh.
Một bài phân tích của tác giả Nadège Rolland nhằm giải mã khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh” của Bắc Kinh, đăng trên trang The Asan Forum vào tháng 6/2017, chỉ ra rằng trước cả ông Tập, vị chủ tịch và lãnh đạo đảng trước đây của Trung Quốc là ông Hồ Cẩm Đào đã sử dụng thuật ngữ “cộng đồng chung vận mệnh” trong báo cáo của ông trước đại hội toàn quốc lần thứ 17 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi giữa tháng 10/2007.
Ông Hồ dùng khái niệm đó để mô tả mối quan hệ đặc biệt giữa Trung Quốc và Đài Loan, hàm ý rằng hai thực thể chính trị khác nhau có thể có quan hệ khá tốt đẹp dù có những khác biệt.
Sau khi ông Tập Cận Bình được bầu làm nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc vào tháng 3/2013, ông đã thường xuyên quảng bá, thúc đẩy sáng kiến “cộng đồng chung vận mệnh”, theo bài viết của Nadège Rolland.
Ban đầu, ông Tập nhấn mạnh tại Diễn đàn Bác Ngao, tháng 4/2013, với các nước tham dự hầu hết đến từ châu Á, rằng: “Là những thành viên trong cùng một ngôi làng toàn cầu, chúng ta cần nuôi dưỡng sự nhận thức về cộng đồng chung vận mệnh, đi theo xu hướng thời đại, giữ định hướng đúng đắn, đoàn kết cùng nhau trong những lúc khó khăn và đảm bảo rằng sự phát triển ở châu Á và phần còn lại của thế giới sẽ đạt được những đỉnh cao mới”, bài viết trên The Asan Forum cho hay.
Ở thời điểm giữa năm 2017, tác giả bài viết nhận định về ý nghĩa của khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh”, đó là thứ nhất, các nước có thể hợp tác với nhau bất chấp những sự khác biệt lớn về chính trị, xã hội hay văn hóa; thứ hai, nó áp dụng hầu hết cho châu Á và các nước láng giềng của Trung Quốc; và thứ ba, khái niệm này có cả thành phần kinh tế lẫn an ninh.
“Nó có những mục tiêu là củng cố cả ‘sự phát triển chung’ lẫn ‘an ninh chung’, điều này phản ánh quan điểm của ông Tập rằng ‘phát triển là nền tảng của an ninh, và an ninh là một điều kiện để phát triển’”, tác giả Rolland viết.
Trung Quốc không lập ra bất kỳ cơ chế mang tính định chế trung tâm nào hay một ban thư ký để xác định thể thức và điều hành “cộng đồng chung vận mệnh” này, và không có hiệp ước nào được ký kết, theo bài viết.
“Không có một khuôn khổ cứng nhắc, cộng đồng này có hình thức như một mạng lưới không chính thức” và các nguyên tắc cũng như chuẩn mực của cộng đồng được định hướng là sẽ do các thành viên chung tay tạo dựng “thông qua tham vấn để đáp ứng các lợi ích của tất cả các bên”, một số đoạn trích trong bài viết chỉ ra.
Việt Nam cố ứng xử khéo léo
Từ đầu tháng 10, hãng tin Reuters loan tin các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đã chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có thẩm quyền quyết định cao nhất ở hai quốc gia – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các quan chức đã thảo luận về việc đề cập đến “cộng đồng chung vận mệnh” trong tuyên bố chung về cuộc gặp thượng đỉnh, theo Reuters.
Nếu Việt Nam đồng ý tham gia ‘cộng đồng chung vận mệnh’ của Trung Quốc, điều này sẽ được quảng bá như thể là một sự nâng cấp lên từ ‘Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện’ hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam.Giáo sư Alexander Vuving
Bình luận về việc ông Tập sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 12-13/12, chỉ ít lâu sau khi đất nước láng giềng nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ và Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ, giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh K. Inouye châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu, Hawaii, cho rằng ông Tập sẽ một lần nữa thúc ép Việt Nam tham gia “cộng đồng chung vận mệnh” để cố xây dựng một liên minh làm đối trọng với Washington.
“Nếu Việt Nam đồng ý tham gia ‘cộng đồng chung vận mệnh’ của Trung Quốc, điều này sẽ được quảng bá như thể là một sự nâng cấp lên từ ‘Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện’ hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam. Việc nâng cấp này sẽ được Trung Quốc diễn dịch là Bắc Kinh luôn luôn gần gũi hơn, hoặc đi trước hoặc ở cao hơn Washington trong quan hệ với Việt Nam”, giáo sư Vuving đưa ra ý kiến với VOA qua email.
Giáo sư Vuving lưu ý rằng Việt Nam đã cưỡng lại sự thúc ép của Trung Quốc về việc “nâng cấp” đó trong nhiều năm, trong khi tương phản lại, cả Việt Nam lẫn Mỹ đều muốn nâng cấp quan hệ.
Từ góc nhìn của mình, ông Vuving cho rằng hết sức đáng chú ý khi Việt Nam là nước duy nhất trong số các quốc gia trên đất liền ở Đông Nam Á vẫn chưa tham gia “cộng đồng chung vận mệnh của Trung Quốc” so với Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan, những nước đã gia nhập trong mấy năm qua.
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam, cũng dự báo với VOA rằng ông Tập sẽ chính thức mời Việt Nam tham gia sáng kiến “cộng đồng chung vận mệnh”, trong khi đáp lại, Việt Nam sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề gồm nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, nhất là về kinh tế, quốc phòng-an ninh; giải quyết thỏa đáng các bất đồng và khác biệt; cũng như tăng cường giao lưu nhân dân và tình hữu nghị giữa hai bên.
Đánh giá chung về chuyến thăm sắp diễn ra của ông Tập, ông Quân nói:
“Trong bối cảnh hiện nay, nước lớn nào cũng muốn gia tăng ảnh hưởng và muốn gia tăng cái phần ảnh hưởng sâu rộng của mình đối với Việt Nam hơn là các đối thủ khác. Tóm lại là cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc đối với Việt Nam cũng sẽ sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn”.
Với quan sát cá nhân dựa trên kinh nghiệm sống và làm việc trong hàng chục năm qua của một nhà báo-nhà văn kỳ cựu, cựu đại tá an ninh Nguyễn Như Phong nói với VOA về “cộng đồng chung vận mệnh” của Trung Quốc:
“Tôi cho rằng đây là cái loại lời nói đãi bôi thôi, tôi chẳng tin. Bởi vì từ xưa đến nay, Trung Quốc là nước lớn nhưng họ hành xử rất tiểu nhân và cứ nói một đằng làm một nẻo, cho nên tôi không tin”.
Để củng cố cho lập luận của mình, ông Phong dẫn chứng việc Trung Quốc công bố bản đồ quốc gia mới hồi tháng 8 thể hiện nhiều vùng đất của các nước láng giềng bao gồm cả Việt Nam, Ấn Độ, Nga… thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc. Báo chí quốc tế cũng đã đưa tin về vấn đề này, nói rằng nhiều nước phẫn nộ về bản đồ đó. Ông Phong nói thêm:
“Trung Quốc bất chấp luật pháp, mà một quốc gia đã bất chấp luật pháp và dùng mọi thủ đoạn này khác thì không nên tin. Bây giờ bảo ‘cộng đồng chung vận mệnh’ để rồi xóa nhòa tất cả các thứ đi, để rồi họ thao túng theo họ thì chết”.
Trung Quốc bất chấp luật pháp, mà một quốc gia đã bất chấp luật pháp và dùng mọi thủ đoạn này khác thì không nên tin. Bây giờ bảo ‘cộng đồng chung vận mệnh’ để rồi xóa nhòa tất cả các thứ đi, để rồi họ thao túng theo họ thì chết.Cựu đại tá an ninh Nguyễn Như Phong
Tiếng nói của ông Phong có sự cộng hưởng với quan điểm của rất đông những người Việt Nam thể hiện trên mạng xã hội rằng do các vấn đề đau thương trong lịch sử và những tranh chấp lãnh thổ, biển đảo hiện nay, họ muốn đất nước không gắn bó quá thân thiết với Trung Quốc mà chỉ nên hợp tác cùng có lợi về kinh tế, thương mại.
Thạc sĩ Hoàng Việt thuộc Đại học Luật Tp.HCM, chỉ ra rằng nguyên do lớn nhất đằng sau điều mà ông gọi là “tâm lý chống Trung Quốc” trong nhiều người Việt là vấn đề Biển Đông và đây là một thực tế mà giới lãnh đạo buộc phải lưu tâm:
“Đương nhiên, chắc chắn là với tâm lý chống Trung Quốc như thế nó cũng khiến cho các lãnh đạo phải cân nhắc rất nhiều. Nói cho cùng, lãnh đạo cũng phải xem xét một mặt là có được lợi ích của chính quyền, nhưng mặt khác cũng phải đồng thuận với người dân trong nhiều vấn đề. Cho nên có lẽ đó cũng là vấn đề tác động rất lớn đến quyết định của lãnh đạo Việt Nam”.
Nhận xét về các dấu hiệu cho thấy Việt Nam thận trọng trong bày tỏ quan điểm về sáng kiến “cộng đồng chung vận mệnh” của Trung Quốc, cựu đại tá an ninh Nguyễn Như Phong, một nhà báo-nhà văn kỳ cựu, cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam thật “sáng suốt”:
“Tôi nghĩ rằng chính sách ngoại giao của đảng, chính phủ Việt Nam đối với Trung Quốc đã có những bước đi chiến lược khéo léo và dung hòa được lợi ích của tất cả các bên”.
Xét việc hai đại cường quốc là đối thủ của nhau liên tiếp có những chuyến thăm cấp nguyên thủ đến Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn, ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam, nhấn mạnh đến điểm mấu chốt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam:
“Việt Nam tiếp tục bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc của mình trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Lập trường của Việt Nam rất rõ ràng với chính sách quốc phòng ‘4 không’, là không liên minh quân sự với nước ngoài, không đi với nước này để chống nước khác, không cho nước ngoài dùng lãnh thổ của mình để tấn công nước khác, và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trừ khi an ninh của Việt Nam gặp nguy hiểm nghiêm trọng”.
Những nguyên tắc nêu trên chi phối trực tiếp đến cách Việt Nam đối xử với các nước lớn nói chung, và với Trung Quốc cũng như Mỹ nói riêng, ông Quân nói thêm.
Việt Nam có thể lấy mối quan hệ mới được nâng cấp với Mỹ làm đòn bẩy để đòi Trung Quốc nhượng bộ một số điều.Giáo sư Vuving
Theo giáo sư Vuving ở Hawaii, Mỹ, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ là một phép thử lớn đối với nền “ngoại giao cây tre” của Hà Nội và khả năng của họ ứng phó với Trung Quốc.
“Việt Nam có thể lấy mối quan hệ mới được nâng cấp với Mỹ làm đòn bẩy để đòi Trung Quốc nhượng bộ một số điều. Hoặc Việt Nam cũng có thể bám vào ‘cây tre’ và cong xuống dưới sức ép của Trung Quốc. Quỹ đạo tương lai của quan hệ Trung-Việt sẽ tùy thuộc vào việc Việt Nam có thể chống lại sự thúc ép của Trung Quốc hay không”, ông Vuving nói với VOA qua email.
Chiến lược đối ngoại chú trọng phát triển quan hệ cân bằng với các cường quốc và đa dạng hóa các mối quan hệ với các nước nói chung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi tên là “ngoại giao cây tre” trong một số hội nghị của Đảng Cộng sản Việt Nam vào các năm từ 2021 đến nay.
VOA cố gắng liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để tìm hiểu quan điểm của họ, song không có hồi đáp.