Cửa vào ‘kinh tế thị trường’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam, vốn đã chẳng rộng mở gì, nay càng thêm hẹp lại khi vào ngày 9/5/2019, chính phủ Hoa Kỳ đã mở rộng danh sách các nước bị Hoa Kỳ cho là thao túng tiền tệ, sẽ được công bố vào tháng 5 năm 2019 và Việt Nam có khả năng lọt thỏm vào trong đó - theo thông tin từ hãng tin Mỹ Bloomberg.
Vì sao thế?
Thặng dư 35 tỷ USD
Mỹ sử dụng ba tiêu chí để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia: thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đô la, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP.
Việt Nam bị Mỹ xem là một nước lũng đoạn tiền tệ vì đã cho hạ giá đồng tiền của mình một cách giả tạo.
Việc Bộ Tài chính nước Mỹ giảm giới hạn thặng dư tài khoản vãng lai từ 3% xuống còn 2% trong báo cáo mới nhất đã dẫn đến việc danh sách theo dõi được mở rộng, và Việt Nam bị lọt vào diện này.
Nếu bị xem là quốc gia lũng đoạn tiền tệ, Việt Nam sẽ cùng danh sách với 19 nước khác. Danh sách mở rộng còn có thể bao gồm Nga, Ireland, Thái Lan, Indonesia, hay Malaysia, những nước đều có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Vào năm 2018, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ (còn gọi là giá trị xuất siêu) ở mức kỷ lục tới 35 tỷ USD, càng củng cố một cách chắc chắn vị trí thứ 6 của Việt Nam trong số 16 quốc gia bị Donald Trump liệt vào danh sách ‘gây hại’ cho nền kinh tế Mỹ.
Còn việc Việt Nam bị cho là đã can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối thì sao?
4 tháng vượt hơn 4% GDP
Sau một thời gian bình lặng, từ đầu năm 2019 đến nay tỷ giá trung tâm bất thần tăng nhanh, tăng vọt và tăng không ngừng nghỉ, bất chấp thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế vẫn khá ổn định và trong thực tế là chẳng có ý do xác đáng nào đẻ giải thích cho cú tăng này.
Cơ chế tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước chuyển sang áp dụng từ đầu 2016 để thay cho cơ chế tỷ giá liên ngân hàng. Tỷ giá trung tâm được xem là thước đo tham chiếu cho tỷ giá của các ngân hàng và của cả.. chợ đen.
Đến tháng 5 năm 2019, tỷ giá trung tâm của VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố đã vượt mốc 23.000 VND, cao nhất kể từ đầu 2016 - thời điểm tỷ giá này ra đời.
Diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND thực trên các kênh giao dịch liên ngân hàng, giữa ngân hàng với các tổ chức và dân cư, trên thị trường tự do giảm mạnh vào cuối 2018 và ổn định từ đầu 2019.
Diễn biến trên cũng có nét tương đồng với khoảng thời gian đầu năm 2018, khi Ngân hàng Nhà nước cũng từng bước đều đặn nâng tỷ giá trung tâm trong bối cảnh thị trường và tỷ giá USD/VND ổn định, và đặc biệt là trong điều kiện cung ngoại tệ dồi dào và nhà điều hành mua vào lượng lớn.
Một luồng ý kiến trên mặt báo nhà nước cho rằng ý đồ của nhà điều hành muốn từng bước thu hẹp khoảng cách này, đưa tỷ giá trung tâm lên gần với "mặt bằng chung" để phản ánh hợp lý hơn thực tế thị trường. Dù lên các mức cao, nhưng như trên, tỷ giá trung tâm hiện vẫn rất thấp so với tỷ giá thực trên thị trường. Theo đó, khi Ngân hàng Nhà nước đang chủ động đưa nó lên một điểm cân bằng mới, tác động và ảnh hưởng mang tính thời điểm đối với thị trường gần như không thể hiện.
Nhưng liệu có đúng như vậy, hay bởi một động cơ ẩn giấu nào khác?
Diễn biến tăng vọt tỷ giá trung tâm lại trùng với một thông tin rất đáng chú ý và so sánh: trong 4 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào lượng khá lớn ngoại tệ, ước tính đã lên tới gần 9 tỷ USD.
Trước đó tại tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 được tổ chức vào ngày 9/1/2019, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết trong năm 2018 Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng trên 6 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối.
Như vậy, số USD mua ròng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2018 là thấp hơn đáng kể so với lượng mua ròng được Ngân hàng Nhà nước báo cáo trong hai năm trước - 2017 và 2016, với khoảng 10 - 12 tỷ USD mỗi năm.
Vào thời thủ tướng mới là Nguyễn Xuân Phúc và thống đốc mới là Lê Minh Hưng, Ngân hàng Nhà nước đã có một chiến dịch âm thầm, miệt mài và đầy thủ đoạn để tung ra một núi tiền đồng nhằm gom tích USD từ hệ thống ngân hàng và USD trôi nổi ở chợ đen lẫn từ khu vực dân cư, khiến chỉ trong vài năm, kho dự trữ ngoại hối của nhà nước đã được báo cáo tăng gấp đôi - đến hơn 60 tỷ USD - và được xem là ‘thành tích kiến tạo’ của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Còn vào năm 2019, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và hẳn phải nhận được sự đồng thuận rất cao trong ‘tập thể Bộ Chính trị’ có thể đã phải tính đến kế vét đô bằng cách vừa tăng tỷ giá trung tâm như một mồi nhử hấp dẫn, vừa tìm cách ép dân phải bán USD cho ngân hàng chứ không được giao dịch trên thị trường tự do, để sau đó các ngân hàng phải bán lại USD cho Ngân hàng Nhà nước theo ‘giá nội bộ’, để Quỹ dự trữ ngoại hối có tiền trả nợ cho nước ngoài vào năm 2018 và những năm sau – có thể lên tới 10 - 15 tỷ USD nợ phải trả mỗi năm.
Hiện nay, con số nợ nước ngoài của Việt Nam (chỉ tính riêng nợ của chính phủ và do chính phủ bảo lãnh mà chưa tính đến số tự vay tự trả của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) đã lên đến 105 tỷ USD, xấp xỉ 50% GDP…
Những năm trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không phải đẩy vọt tỷ giá trung tâm vì vẫn còn nguồn ngoại tệ - từ kiều hối và vay mượn các tổ chức tín dụng quốc tế mà thực chất là ‘vay để đảo nợ’. Nhưng trong mấy năm gần đây, trong khi kiều hối giảm sút thê thảm thì các kênh tín dụng quốc tế, trừ Nhật Bản còn nhỏ giọt, hầu hết đều đóng cửa với con nợ ‘chúa chổm’ Việt Nam.
Việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm để kích thích gom USD trôi nổi, dù đã trám bớt lỗ hổng toang hoác của Quỹ dự trữ ngoại hối để có tiền trả nợ nước ngoài, nhưng lại khiến cơ quan ‘siêu ngân hàng’ này phải trút vào thị trường tự do đến 200.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2019 - chiếm đến hơn 4% GDP, tức vượt xa giới hạn 2% GDP mà Mỹ quy định đối với quốc gia thao túng tiền tệ.
Nếu sắp tới Việt Nam bị Mỹ xếp vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, tương lai rất cận kề là theo lệnh của Tổng thống Trum, Đại diện Thương mại Mỹ sẽ nâng cao mức thuế suất đánh vào hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ - tương tự chiến dịch nâng thuế suất đến 25% của Mỹ đối với toàn bộ 500 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.
Và nếu bị Mỹ đánh thuế nặng hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam sẽ lâm vào cảnh phá sản, còn nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không thể chịu nổi thuế suất cao mà sẽ phải rút khỏi Việt Nam, khiến nền kinh tế nước này lao nhanh vào suy thoái trầm kha và càng khiến tuổi thọ của chính thể độc đảng trở nên ngắn ngủi đến khó lường.