Các tòa án Việt Nam không tuyên bản án tử hình nào đối với hơn 1.200 người bị đưa ra xét xử về cáo buộc phạm tội tham nhũng trong 12 tháng gần đây nhất, vị lãnh đạo của Tòa án Nhân dân Tối cao cho hay mới đây khi báo cáo với quốc hội của đất nước.
Hai báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên tường thuật hôm 15 và 16/10 rằng Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình đưa ra số liệu của giai đoạn từ 1/10/2022 đến 30/9/2023 về các vụ án tham nhũng, theo đó, các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 747 vụ với 1.800 bị cáo.
Trong số đó, các tòa án trên cả nước đã xét xử 562 vụ với 1.207 bị cáo, ông Bình cho biết. Có 8 người trong số các bị cáo phải nhận án chung thân, 50 người bị tuyên phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, 170 người bị tuyên từ trên 7 năm đến 15 năm tù, vẫn theo lời báo cáo của ông Bình, được Tuổi Trẻ và Thanh Niên trích đăng lại.
Vị Chánh án TAND tối cao mô tả rằng các tòa án đã áp dụng hình phạt “nghiêm khắc” đối với người “chủ mưu, cầm đầu” trong khi chú trọng việc “tịch thu tài sản do phạm tội mà có” và “thu hồi tối đa tài sản của nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại”, tin cho hay.
Theo báo cáo của Chánh án Nguyễn Hòa Bình với Quốc hội Việt Nam, các tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản hơn 1.859 tỉ đồng trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ; bên cạnh đó, đã có 163 vụ với 631 bị cáo khắc phục hơn 490 tỉ đồng, vẫn theo Tuổi Trẻ và Thanh Niên.
Ông Bình nêu ra trong bản báo cáo một số vụ án điển hình đã đem ra xét xử, là những vụ gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc lớn trong xã hội như vụ án tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và công ty AIC, vụ "chuyến bay giải cứu", vụ tham ô tài sản tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh, v.v…
Như VOA đã đưa tin, Việt Nam có chỉ số cảm nhận tham nhũng là 42 trên 100 điểm, đứng thứ 77 trên 180 nước được xếp hạng vào năm 2022, nằm trong số các nước vẫn có nhiều tham nhũng, theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế.
So với các nước trong cùng khu vực, mức độ tham nhũng của Việt Nam tệ hơn Singapore (đứng thứ 5), Malaysia (61), Trung Quốc (65), song không trầm trọng bằng Thái Lan (đứng thứ 101), Indonesia (110), Philippines (116), Lào (126), Campuchia (150), Myanmar (157).
Lâu nay, trong nhiều dịp Quốc hội Việt Nam họp, cử tri đều đề nghị nhà chức trách cần mạnh tay áp dụng án tử hình đối với công chức, quan chức phạm tội tham nhũng. Theo tìm hiểu của VOA, Bộ luật Hình sự của Việt Nam có hai điều quy định việc áp dụng hình phạt tử hình đối với trường hợp tham ô, nhận hối lộ với giá trị tài sản 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.
Cách đây một năm, hồi tháng 10/2022, cử tri đề nghị sửa một điều trong Bộ luật Hình sự vì điều này quy định về việc không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc trường hợp “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Cử tri quan ngại rằng quy định kể trên tạo ra “lỗ hổng” khiến hành vi tham nhũng sẽ tinh vi hơn, nhiều thủ đoạn hơn và mức tham nhũng sẽ cao hơn.
Trả lời Quốc hội về kiến nghị đó của cử tri, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long gửi văn bản nói rằng quy định này nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình theo một mục tiêu về cải cách tư pháp của đất nước, cũng như nhằm tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, báo chí trong nước tường thuật.
Bộ trưởng Long giải thích thêm rằng quy định này chỉ được áp dụng với trường hợp đã có bản án tuyên hình phạt tử hình và khi có đủ hai điều kiện bao gồm: Chủ động nộp ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ; và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Nếu chỉ nộp đủ 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ mà không đáp ứng điều kiện thứ hai, người bị kết án vẫn phải thi hành án, ông nói trong văn bản trả lời quốc hội.
Các tòa án Việt Nam tuyên tổng cộng 17 án tử hình và chung thân về tội tham nhũng trong 2 năm 2019 và 2020, các báo trong nước đưa tin, dẫn lại số liệu trong các cuộc họp Quốc hội nhưng không đi vào chi tiết riêng rẽ có bao nhiêu án tử hình và bao nhiêu án chung thân.