Việt Nam hôm thứ Năm 25/5 đưa ra cáo buộc là một tàu khảo sát Trung Quốc và các tàu hộ tống vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh điều các tàu này đi ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Việt Nam và Trung Quốc lâu nay có tranh chấp lãnh thổ về vùng biển có nhiều khả năng là giàu năng lượng ở Biển Đông, là tuyến đường thủy chiến lược nơi lượng hàng hóa thương mại trị giá hơn 3 nghìn tỷ đô la đi qua hàng năm.
“Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ trong tuyên bố của chính phủ.
“Việt Nam đã giao thiệp nhiều lần với Trung Quốc và triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”, tuyên bố nói thêm.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã không hồi đáp ngay cho lời đề nghị đưa ra bình luận của Reuters.
Tuần trước, Việt Nam đã chỉ trích hoạt động gần đây của một tàu nghiên cứu Trung Quốc trong cùng khu vực thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của quốc gia Đông Nam Á này.
Trung Quốc đã nói rằng việc nghiên cứu khoa học là hoạt động bình thường trong các khu vực thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên bố rằng gần như toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của họ, căn cứ vào các bản đồ cũ, theo lời họ, bao gồm cả các vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và 4 quốc gia Đông Nam Á khác.
Bà Hằng cũng nói rằng Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy tham gia cùng nỗ lực của Việt Nam duy trì trật tự, hòa bình và an ninh ở Biển Đông và đóng góp vào việc phát triển các lợi ích chung của hai nước.
(Reuters)