Vài ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao ở Hà Nội lên tiếng đề nghị Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và không có hành động làm phức tạp tình hình.
Cục Hải sự tỉnh Hải Nam của Trung Quốc hôm 4/3 đưa ra một tuyên bố trong đó nói rằng nước này đang diễn tập quân sự trong vòng hơn một tuần, bắt đầu cùng ngày và kéo dài đến 15/3, và cảnh báo các tàu thuyền chớ qua lại.
“Một phần khu vực thông báo hàng hải nêu trên thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo UNCLOS (Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển) 1982,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong một tuyên bố được đưa ra hôm 7/3 dưới dạng trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Hà Nội đối với thông báo tập trận của Cục Hải sự Hải Nam.
Cục này cung cấp toạ độ cho một khu vực nằm giữa thành phố Tam Á, nơi đặt một căn cứ hải quân lớn của Trung Quốc, trên đảo Hải Nam và thành phố Huế của Việt Nam.
Hà Nội trước đây đã chỉ trích Trung Quốc về hành vi vi phạm chủ quyền của họ do một phần diện tích này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
“Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam,” bà Hằng nói hôm 7/3, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh “không có hành động làm phức tạp tình hình, qua đó góp phần duy trì hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông.”
Người phát ngôn BNG cho biết “phía Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này” và rằng “Việt Nam luôn theo sát các diễn biến tại khu vực Biển Đông” có nhiều tranh chấp.
Tranh chấp trên biển giữa Hà Nội và Bắc Kinh tăng cao khi Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014. Sau đó, nhiều cuộc tranh chấp lãnh hải giữa hai quốc gia láng giềng tiếp tục diễn ra, bao gồm việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò vào gần khu vực khoan dầu ở Bãi Tư Chính của Việt Nam. Hà Nội cũng cáo buộc tàu hải quân của Trung Quốc đâm chim tàu cá của ngư dân Việt Nam ở miền Trung.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông chồng lấn lên các tuyên bố chủ quyền của các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam, với đường “lưỡi bò” 9 đoạn mà nước này đơn phương đưa ra nhưng bị một toà trọng tài quốc tế ở La Haye của Hà Lan bác bỏ hồi năm 2016.
Trong khi đó người phát ngôn BNG ở Hà Nội hôm 7/3 cho biết Việt Nam luôn “thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển phù hợp luật phát quốc tế,” nhất là UNCLOS 1982.