Ba hãng công nghệ khổng lồ hàng đầu nước Mỹ nộp thuế lên tới trên 4.500 tỉ đồng cho Việt Nam trong vòng hơn 4 năm trở lại đây, theo một báo cáo của Bộ Tài chính với Quốc hội Việt Nam, được báo chí trong nước dẫn lại hôm 6/6.
Báo cáo của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay tính từ năm 2018 đến hết tháng 4/2022, Facebook đã nộp thuế cho Việt Nam là 1.965 tỉ đồng, Google nộp 1.902 tỉ đồng và Microsoft nộp 651 tỉ đồng. Những số tiền này được nộp thông qua các tổ chức tại Việt Nam.
Tính chung số tiền thuế của 3 đại gia công nghệ Mỹ với các hãng nước ngoài khác, Việt Nam đã thu được hơn 5.111 tỉ đồng tiền thuế đối với “hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới” trong vòng 4 năm 4 tháng qua, vẫn theo bản báo cáo.
Còn nếu chỉ tính 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam thu được khoảng 437 tỉ đồng tiền thuế từ hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ số xuyên biên giới, tương đương hơn 27% của tổng số thu năm 2021 là 1.591 tỉ đồng.
Hồi tháng 3 năm nay, Tổng cục thuế của Việt Nam đã công bố cổng thông tin điện tử để các hãng cung cấp dịch vụ nước ngoài có hoạt động kinh doanh nhưng không đặt trụ sở ở Việt Nam như Facebook, YouTube, Google, Netflix, v.v... vào đó đăng ký, kê khai và nộp thuế trực tiếp.
Một lãnh đạo Tổng cục thuế đưa ra nhận định rằng thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ với mức tăng trưởng hàng năm rất cao, trang Zing News tường thuật cách đây hơn 2 tháng.
Trước đó, Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam nêu thông tin là vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt 18%, với quy mô 11,8 tỉ đô la (hơn 274 nghìn tỉ đồng) và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng hai con số.
Sách trắng dẫn dự báo của một số tập đoàn lớn trên thế giới như Google cho rằng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam có khả năng sẽ vượt ngưỡng 52 tỉ đô la và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Bộ trưởng Tài chính với Quốc hội nói rằng việc quản lý, thu thuế các hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam “sẽ gặp nhiều thách thức”.
Thứ nhất, đó là do các tổ chức, cá nhân có thể hoạt động kinh doanh xuyên biên giới nên họ không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống.
Khó khăn tiếp theo là không xác định được căn cứ tính thuế. Một ví dụ điển hình là hoạt động quảng cáo trực tuyến và mạng xã hội. Báo cáo của Bộ Tài chính giải thích rằng trên môi trường số, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website hiện diện ở một khu vực thị trường nào đó mà không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế. Điều này cũng không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật thuế hiện tại.
Thách thức thứ ba đối với cơ quan quản lý thuế là bóc tách các loại chi phí và thu nhập ra sao để làm cơ sở đánh thuế. Theo Bộ Tài chính, với doanh thu liên quan đến phần mềm, sản phẩm nội dung số, các ứng dụng đăng tải trên mạng... rất khó để xác định số tiền chi trả cho bản quyền, phí dịch vụ hay lợi nhận kinh doanh.
Theo các bài báo tường thuật hôm 6/6, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho Quốc hội biết rằng Bộ Tài chính sẽ xử lý các vấn đề nêu trên bằng cách hoàn thiện cơ sở pháp lý; tăng chia sẻ, kết nối thông tin với các cơ quan liên quan; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; và tăng cường thanh tra, kiểm tra.