Hôm 3/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu quan điểm về việc nước này bỏ phiếu trắng cho nghị quyết tại phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc nhằm yêu cầu Nga ngừng ngay lập tức cuộc xâm lược Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói tại một cuộc họp báo: “Quan điểm của chúng tôi là Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại về tình hình Ukraine”, theo báo chí Việt Nam.
Bà Hằng nhận xét rằng cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine đang ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
“Chúng tôi cho rằng, ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đàm phán đối thoại trên tất cả các kênh để đạt được các giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”, bà Hằng nói.
XEM THÊM: Đại hội đồng LHQ đả kích Nga xâm lược Ukraine trong cuộc biểu quyết lịch sửNgày 2/3, Đại hội đồng LHQ tổ chức kỳ họp khẩn cấp bất thường về tình hình Ukraine và ra nghị quyết yêu cầu Nga ngay lập tức chấm dứt chiến dịch quân sự và “rút toàn bộ lực lượng vô điều kiện” khỏi lãnh thổ Ukraine.
Có 141/193 nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này. Năm nước bỏ phiếu chống gồm Nga, Belarus, Triều Tiên, Syria và Eritrea. Còn lại 35 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 1/3, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc phát biểu tại phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng LHQ rằng Việt Nam “hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine” và kêu gọi “kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và tổn thất”.
Ông Giang cho rằng các cuộc chiến tranh và xung đột thường bắt nguồn từ “các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.
XEM THÊM: Việt Nam chính thức ‘nêu quan điểm’ về Ukraine tại Liên Hiệp QuốcTừ Tp. Hồ Chí Minh, tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng học tập ở châu Âu và đang theo dõi tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine, nêu nhận định với VOA về phản ứng của Việt Nam:
“Tôi nghĩ rằng chính phủ [Việt Nam] phải xử lý như vậy thôi bởi vì quan hệ Việt Nam – Nga rất sâu sắc, từ truyền thống cho đến hiện nay. Việt Nam và Nga có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cho nên trong tình huống như thế này thị họ cũng thông cảm và đành phải bỏ phiếu như vậy”.
“Nhưng tuyên bố của Đại sứ Việt Nam tại LHQ cũng rất tích cực”.
Hôm 2/3, ngay sau khi Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng LHQ, Đại biện Lâm thời của Ukraine tại Việt Nam, bà Nataliya Zhinkyna, bày tỏ sự thất vọng. Bà viết trên Facebook: “Trong số tất cả các thành viên ASEAN chỉ có Việt Nam và Lào đã bỏ phiếu trắng. Việt Nam ơi, quê hương thứ hai của tôi, tôi rất thất vọng”.
Cảm thông trước sự thất vọng của nhà ngoại giao Ukraine, ông Trần Tuấn Lộc ở Tp. Hồ Chí Minh viết: “Đúng là thất vọng! Dù ngay từ đầu tôi đã chắc đến 95% họ sẽ bỏ phiếu trắng, nhưng sau bài phát biểu có ngụ ý lên án Nga của đại sứ Việt Nam tại LHQ, tôi cũng hy vọng là họ sẽ bỏ phiếu lên án Nga. Nhưng họ đã không thay đổi cách tư duy vì lợi ích mà bỏ qua công lý và đạo lý!”
Nghị quyết của LHQ đã được thông qua, dù không có tính ràng buộc nhưng sẽ đóng vai trò như một dấu hiệu cho thấy nước Nga bị cô lập như thế nào trong cộng đồng quốc tế.
Hoa Kỳ, một trong các quốc gia đề xuất nghị quyết này lên Đại hội đồng LHQ, lên án cuộc tấn công quân sự của Nga nhắm vào Ukraine.
Trong một tuyên bố vào tối ngày 2/3, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói cuộc bỏ phiếu của LHQ đã công nhận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “tấn công vào chính nền tảng của hòa bình và an ninh toàn cầu – và vào mọi thứ mà Liên Hợp Quốc đại diện cho”.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân bỏ phiếu trắng hôm 2/3 và ông có bài phát biểu mang tính biện bạch về lập trường bỏ phiếu của Trung Quốc, cho biết: “Trung Quốc một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế kiên trì định hướng giải quyết chính trị, tạo bầu không khí và điều kiện có lợi cho hai bên trực tiếp đối thoại và đàm phán”.
Ông Trương Quân nói rằng LHQ và các bên liên quan áp dụng bất cứ hành động nào đều phải lấy hòa bình và ổn định khu vực làm trọng, lấy an ninh phổ biến các bên làm trọng, phát huy vai trò chính diện cho làm dịu tình hình và thúc đẩy giải quyết ngoại giao.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói với các phóng viên: “Chúng tôi không thấy bị cô lập. Lập trường của Moscow là hoạt động quân sự của Nga là để bảo vệ cư dân của các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine”. Nga cho rằng mình đang “tự vệ” theo Điều 51 của Hiến chương LHQ.