Trong tài liệu Hướng dẫn Tạm thời về Chiến lược An ninh Quốc gia được Nhà Trắng công bố hôm 3/3, Tổng thống Joe Biden có nhắc đến Việt Nam như là một đối tác được Washington nhắm tới để “làm sâu sắc” hơn trong hợp tác an ninh khu vực. Với việc Việt Nam nổi lên như một nhân tố mới này, các nhà quan sát bày tỏ lạc quan về việc nâng tầm hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt dưới chính quyền của Tổng thống Biden.
Tài liệu dài 24 trang của Nhà Trắng viết: “Chúng tôi sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ và làm việc cùng với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác, để thúc đẩy các mục tiêu chung.”
Cũng như chính quyền tiền nhiệm Donald Trump, chính quyền Biden tập trung vào các mục tiêu ngăn chặn các hành động gây hấn và chống lại các mối đe dọa của Trung Quốc, cũng như việc cưỡng bức và gây ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ láng giềng.
Tài liệu viết: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ các nước láng giềng của Trung Quốc và các đối tác thương mại trong việc bảo vệ quyền của họ để đưa ra các lựa chọn chính trị độc lập, thoát khỏi ép buộc hoặc ảnh hưởng quá mức của nước ngoài.”
“Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tiếp cận các vùng đất và lãnh hải của toàn cầu, bao gồm cả quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật quốc tế,” tài liệu có đoạn viết.
Your browser doesn’t support HTML5
Các nhà quan sát nhận định với VOA rằng tài liệu của Nhà Trắng cho thấy Việt Nam “nỗi lên như một nhân tố mới” trong chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ trong tân chính quyền Biden, bên cạnh các đồng minh truyền thống của Washington trong khu vực.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một học giả của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore (ISEAS), nói:
“Việt Nam nổi lên cho thấy đó là một đánh giá tích cực từ phía Hoa Kỳ. Việt Nam rõ ràng là có những tiến triển tích cực, đặc biệt là đóng góp trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN mạnh hơn, và quan trọng nhất là đóng góp giữ được an ninh trong khu vực. Đây có thể là lý do khá rõ rệt để dẫn đến việc chính quyền Biden đã nêu tên Việt Nam trong bản hướng dẫn tạm thời.
“Mặc dù có những khác biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, chính quyền của ông Biden vẫn đưa mối quan hệ song phương Mỹ-Việt ngày một tốt hơn,” Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định.
Từ Tp. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu về tình hình Biển Đông, nói:
“Việt Nam được nhắc tới là vì Việt Nam có vị trí địa chính trị khá quan trọng, thái độ của Việt Nam trước Trung Quốc, và Việt Nam đang chuyển hướng đối ngoại – xích gần với Hoa Kỳ hơn. Đây là những lý do có thể lý giải vì sao Hướng dẫn Chiến lược của Mỹ có nhắc đến Việt Nam.”
“Dựa trên Hướng dẫn mới này, chúng ta có thể lạc quan tin tưởng rằng trong thời gian tới quan hệ Việt – Mỹ sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, đặc biệt là về an ninh quốc phòng.”
XEM THÊM: Mỹ đưa hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm tập trận ở Biển ĐôngTổng thống Biden viết trong thông cáo khi công bố bản Hướng dẫn: “Khi chúng ta củng cố các liên minh, chúng ta tăng cường được sức mạnh và khả năng phá vỡ các mối đe dọa trước khi chúng tiến đến bờ biển của chúng ta.”
Tài liệu viết: “Chúng ta phải đối mặt với một thế giới của chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, nền dân chủ đang suy thoái, sự cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc, Nga và các quốc gia độc tài khác, và cuộc cách mạng công nghệ đang định hình lại mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta.”
Nhà Trắng cho biết rằng Hướng dẫn Tạm thời này cho thấy tầm nhìn của Tổng thống Biden về các chính sách của Hoa Kỳ đối với thế giới và cung cấp hướng dẫn cho các bộ và cơ quan điều chỉnh hành động trong khi Chính quyền đang bắt đầu xây dựng Chiến lược An ninh Quốc gia chính thức.