Một “siêu ký sinh trùng” kháng thuốc chống sốt rét đã lan tới Việt Nam từ Campuchia và các nhà khoa học cảnh báo điều này có thể dẫn tới hệ quả đáng báo động trong việc điều trị căn bệnh lây lan qua muỗi ở Việt Nam.
Một nhóm các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực này nhận định siêu ký sinh trùng sốt rét kháng artemisini có khả năng kháng các phương thuốc điều trị bệnh sốt rét tốt nhất hiện nay và đã lây lan khắp các nước tiểu vùng sông Mekong.
Nghiên cứu này khẳng định thêm nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới rằng Việt Nam là một trong số 4 quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) có tỷ lệ kháng Artemisinine ngày càng gia tăng gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Campuchia.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đơn vị Nghiên cứu Y học Nhiệt đới Oxford (MORU) ở Thái Lan, trong một bài viết trên tờ Lancet Infectious Diseases, cho biết siêu ký sinh trùng có nguồn gốc từ Campuchia dẫn đến sự tăng vọt của các ca điều trị bệnh sốt rét thất bại ở các tỉnh phía nam Việt Nam.
Theo số liệu của MORU cung cấp cho VOA, tỷ lệ thất bại trong các ca điều trị ở Việt Nam tăng từ 0% vào năm 2012 đến 26% vào năm 2015. Bình Phước chiếm tỷ lệ cao nhất. Theo báo cáo của các Viện sốt rét năm 2015, Bình Phước là “cái nôi” sốt rét và kháng thuốc của Việt Nam.
Có khoảng 214 triệu ca nhiễm sốt rét trên toàn cầu vào năm ngoái, giết chết khoảng 438 người, phần lớn là trẻ em. Châu Phi đứng đầu về số tử vong, chiếm 90%. Đứng thứ 2 là khu vực Đông Nam Á, chiếm 7%. Theo số liệu của WHO, số ca tử vong từ sốt rét giảm đến 85% ở Đông Nam Á kể từ năm 2000.
"Chỉ có 1 vài vùng nào đấy (sốt rét) mới lưu hành thôi còn nói chung là đã khống chế được."GS.TS Nguyễn Thị Khê, cựu nhân viên Bộ Y tế
Một cựu chuyên gia của Bộ Y tế cho VOA biết sốt rét không phải là căn bệnh lan truyền rộng ở Việt Nam và hiện đang nằm trong tầm kiểm soát. GS.TS Nguyễn Thị Khê của Viện vệ sinh Y tế Công cộng nói: "Chỉ có 1 vài vùng nào đấy (sốt rét) mới lưu hành thôi còn nói chung là đã khống chế được. Những vùng dịch tế cũ từ xưa đến giờ thì có lưu hành. Vùng sốt rét nhiều nhất là ở khu vực miền núi, ở Tây Nguyên nơ có rừng rú, còn ở đồng bằng thì ít có."
Một chuyên gia của Trung tâm Y tế dự phòng Kiên Giang không muốn nêu danh tính, cho VOA biết chỉ có 2 ca nhiễm sốt rét cho tới thời điểm này trong năm nay ở Kiên Giang, một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Mekong. Chuyên gia này cho biết 2 ca nhiễm trên đều ngoại lai – “họ là những công nhân từ Đồng Nai.”
"Sốt rét ở Kiên Giang thì gần 5 năm nay đã xử lý xong hết rồi," theo chuyên gia này.
Mặc dù chưa nghe tới sự lan truyền của siêu kháng sinh kháng thuốc sốt rét mà các nhà khoa học vừa công bố, GS.TS Nguyễn Thị Khê nói: "Nếu kháng thuốc mà có và nó lan rộng ra thì việc điều trị sẽ rất khó khăn. Nhưng đối với Việt Nam hiện nay theo tôi nghĩ không có vấn đề gì trầm trọng về sốt rét mà chủ yếu là sốt xuất huyết thì rất trầm trọng."
Việc sốt rét ít được quan tâm trong những năm gần đây, phần nhiều vì hiện nay sự chú ý đang hướng về những căn bệnh cũng do muỗi lan truyền, chẳng hạn như zika hay sốt xuất huyết, cũng chính là những lo ngại từ các nhà chuyên môn.
Với sự lây lan của ký sinh trùng kháng thuốc từ Campuchia sang Việt Nam, Thái Lan và Lào, các chuyên gia lo sợ hiện tượng kháng thuốc artemisinin có thể một lần nữa lan rộng trên toàn thế giới. Họ cảnh báo rằng nếu không có giải pháp thì số các ca tử vong do kháng thuốc từ 700.000 mỗi năm hiện nay có thể tăng lên tới hàng triệu mỗi năm vào 2050. Con số này bao gồm các loại bệnh gồm cả sốt rét.
Giáo sư Arjen Dondorp của MORU nói ông “hy vọng đây sẽ là bằng chứng được sử dụng để tái khẳng định tính cấp bách của nỗ lực xóa bỏ bệnh sốt rét ở tiểu vùng sông Mekong, trước khi trùng sốt rét falciparum trở nên không thể chữa trị được.”
Your browser doesn’t support HTML5