Tối ngày 3/6 giờ Washington, Tướng Kenneth Wilsbach, Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương (PACAF), xác nhận rằng Việt Nam sắp mua máy bay huấn luyện T-6 của Mỹ. Ông nhấn mạnh sẽ nỗ lực hết sức để bàn giao và hỗ trợ Việt Nam để đưa loại máy bay này vào vận hành, đồng thời xem đây là điểm nổi bật nhất trong hợp tác giữa không quân hai nước.
Tướng Wilsbach phát biểu tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương:
“Điều quan trọng nhất là máy bay T-6, máy bay huấn luyện mà Việt Nam đang mua và lý do họ mua là vì họ muốn cải thiện chương trình đào tạo phi công của mình.
“Và đó có lẽ là một trong những cải tiến quan trọng nhất và có thể thấy rõ nhất.”
“Chúng tôi cam kết giúp máy bay đó được chuyển giao và sau đó đưa nó vào hoạt động cũng như cải thiện việc đào tạo phi công của lực lượng không quân Việt Nam,” Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương cho biết.
Hồi tháng 6 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận rằng Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam máy bay huấn luyện T-6 để giúp quốc gia cựu thù tăng cường “khả năng phòng thủ”.
T-6 là loại máy bay được Không quân Hoa Kỳ sử dụng để tiến hành huấn luyện phi công cơ bản và sĩ quan phục vụ hoạt động tác chiến. Mỗi chiếc có giá hơn 4 triệu đôla.
Cũng vào tháng 6 năm ngoái, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đăng tải hình ảnh một phi công quân sự Việt Nam, đang được Hoa Kỳ đào tạo, đứng trước một chiếc máy bay huấn luyện T-6 một động cơ và 2 chỗ ngồi.
Vào năm 2018, Việt Nam cử hai phi công tham gia khóa đào tạo dài 52 tuần với máy bay T-6 Texan II trong Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ. Thượng uý Đặng Đức Toại trở thành phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo trong ALP vào ngày 31/5/2019. Một phi công khác là Trung uý Doãn Văn Cảnh cũng hoàn tất chương trình huấn luyện không lâu sau đó.
Báo Quân đội Nhân dân cho biết Thượng uý Đặng Đức Toại là phi công kiêm dẫn đường thuộc Phi đội 1, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không-Không quân của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Tại Mỹ, phi công Toại đã được tập huấn với hơn 600 giờ bay trên 5 loại máy bay, bao gồm hơn 173 giờ trên máy bay T-6 Texan II mà Tướng Wilsbach đề cập.
XEM THÊM: Mỹ đào tạo phi công quân sự Việt Nam đầu tiên sau chiến tranhXEM THÊM: Với Trung Quốc, quân đội Mỹ phải 'trong tư thế trực chiến'
Cũng tại cuộc họp báo hôm 3/6, tướng Wilsbach cho biết vào cuối mùa hè ông và Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Charles Brown sẽ chủ trì hội thảo Lãnh đạo Không quân Thái Bình Dương tại Hawaii. Buổi hội thảo kéo dài khoảng một tuần sẽ có sự tham gia của lãnh đạo không quân từ 22 quốc gia.
Tướng Wilsbach bày tỏ sự vui mừng khi biết lãnh đạo binh chủng không quân Việt Nam có kế hoạch tham dự hội thảo này:
Ông nói:
“Tư lệnh Không quân Việt Nam đã có kế hoạch tham dự hội thảo này và vì vậy chúng tôi rất vui khi ông ấy đến, và chúng tôi mong đợi cuộc thảo luận mà tôi tin rằng sẽ dẫn đến việc thắt chặt hơn mối quan hệ của chúng tôi và mang lại cho chúng tôi những cơ hội gắn kết khác.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong cuộc họp báo ngày 3/6 Tướng Wilsbach đã thảo luận về các hoạt động của PACAF và vai trò của Không quân Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như những nỗ lực của PACAF nhằm tăng cường an ninh và ổn định trên toàn khu vực.
Cũng hôm 3/6, Tướng Wilsbach lên án việc Trung Quốc điều các máy bay quân sự đến gần Malaysia và Đài Loan, cáo buộc hành động trên là “leo thang” và “gây bất ổn”.