Dẫn các số liệu của Ngân hàng Thế giới, WB, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, IMF, nhà báo Itai Zehorai chuyên về kinh tế và kinh doanh của tờ Forbes Israel viết rằng Việt Nam và 5 nền kinh tế đang nổi lên khác là những nước sẽ có tăng trưởng cao trong năm 2016 và cả các năm sau.
Ngân hàng Thế giới mới đây ra phúc trình “Triển vọng Kinh tế Toàn cầu” trong đó nhận định mặc dù tình hình toàn cầu có nhiều thách thức song một số thị trường vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao.
Các nước có tăng trưởng trên nền tảng chủ yếu là nhu cầu trong nước được hậu thuẫn nhờ dân số lớn và tầng lớp trung lưu đông đảo sẽ vẫn vững chãi khi đối mặt với suy thoái toàn cầu. Các nước này có đà phát triển cũng như khả năng chống chịu cần thiết để ổn định mức tăng trưởng và tiếp tục là những nước có sự vận hành mạnh mẽ trong các năm tới.
Ngân hàng Thế giới dự báo mức tăng trưởng hàng năm 5,7% của các nước này sẽ tăng tốc hơn nữa trong giai đoạn 2016-2018.
Trong danh sách các nước đó là Việt Nam, nước đã cam kết cải cách. Việt Nam đã tăng tốc các nỗ lực phát triển và tự do hóa, và đã bắt kịp một số nước láng giềng. Trong những năm qua, chính phủ đã thúc đẩy tư nhân hóa. Giờ đây, khu vực nhà nước chỉ chiếm 40% nền kinh tế.
Nông nghiệp Việt Nam cũng đã giảm tỷ lệ trong toàn nền kinh tế, mặc dù gần một nửa lực lượng lao động vẫn hoạt động trong ngành nông nghiệp. Năm ngoái, nông nghiệp chỉ chiếm 18% GDP. Trong khi đó, ngành sản xuất và dịch vụ chiếm 82%.
Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu và đây là một điểm yếu nếu xét đến nhu cầu của thế giới đã yếu đi, nhưng nhu cầu trong nước là động cơ cho tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai gần.
Khu vực tư nhân của Việt Nam tăng trưởng nhờ vào dân số và lực lượng lao động đang trở nên đông đảo hơn, lương thực tế đang tăng và giá cả ổn định ở mức thấp. Tuy có một số trục trặc, các cải cách và tư nhân hóa vẫn đang diễn ra, dù chậm hơn mong đợi. Sự kiểm soát của nhà nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm cùng lúc đầu tư vào hạ tầng và công nghiệp gia tăng, dẫn đến dự báo tăng trưởng hàng năm đạt 6%.
Các nước khác được dự báo cũng sẽ tăng trưởng cao là Myanmar, Philippines, Indonesia, Bangladesh và Ethiopia.
Myanmar được coi là một trong những thị trường mới nổi có nhiều hứa hẹn nhất. Nhờ sự mở cửa của chính phủ cũng như những thay đổi về chính trị, đất nước này được dự báo sẽ tăng trưởng 8% hàng năm cho đến năm 2020.
Philippines là nước không lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu, có nhu cầu trong nước cao, và dòng đầu tư ổn định. Dự kiến nước này sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% hàng năm cho đến năm 2020 và sẽ lọt vào tốp 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Indonesia có tầng lớp trung lưu đông đảo dẫn đến nhu cầu cao. Nước này có kế hoạch đầu tư 400 tỷ đôla vào hạ tầng, sẽ bảo đảm tăng trưởng 5,7%/năm trong các năm tới. Mức này đủ cao để Indonesia lọt vào câu lạc bộ các nền kinh tế có quy mô “nghìn tỷ đôla” vào năm 2018.