Việt Nam đã vượt lên chính mình, ghi nhận nhiều giờ trên YouTube hơn so với nhiều nước khác, theo nhận định của công ty YouTube hôm thứ tư. Thành tích của Việt Nam giúp biến Châu Á thành nơi trắc nghiệm cho youTube, vừa khai trương một dịch vụ 'ngoài mạng' chỉ ở một vài thị trường, tất cả đều ở Châu Á.
Dân số Việt Nam đứng hàng thứ 14 trên thế giới, nhưng Việt Nam nằm trong 10 thị trường hàng đầu của YouTube với số giờ dành để xem các clip video của công ty này. YouTube loan báo các số liệu tại một buổi lễ ở thành phố HCM đánh dấu tròn một năm YouTube.vn, phiên bản địa phương của trang web này.
Bà Nguyễn Phương Anh, người đứng đầu về tiếp thị ở Việt Nam của công ty mẹ YouTube là Google, nói: “Ta thấy chỉ trong một năm, mức tăng trưởng 120% về số giờ xem.” Tỷ lệ tăng trưởng trên toàn thế giới là 50%.
“Góp phần vào thành tích này phần lớn là việc khai trương .vn, giúp nhiều người ở Việt Nam tìm thấy nhiều nội dung Việt Nam hơn, để người Việt sử dụng có thể tải lên nội dung Việt Nam và kiếm tiền trên đó.”
Trong khi YouTube có những trang web địa phương cho 73 quốc gia, Việt Nam là một trong những thí điểm, nơi công ty có thể thử nghiệm các dịch vụ cho những thị trường mới nổi. Phương án ngoài mạng bắt đầu tại Việt Nam hồi tháng 4, khiến nước này trở thành một trong 8 nước sử dụng có thể để dành những đoạn video để xem khi họ không vào mạng Internet.
Cước phí dữ liệu rẻ nhưng hạn chế, do đó người sử dụng ở Việt Nam thường dùng điện thoại thông minh ké vào mạng Internet không dây ở các quán cà phê ngay khi ngồi vào chỗ. Wifi nằm trong trông đợi của khách hàng, và đã trở thành phổ biến đến mức ngay cả những cửa hàng bán rong dọc đường cũng có. Đó là lý do vì sao 'YouTube Ngoài mạng' đã được khởi động ở đây, và ở các nước Á Châu từ Lào cho đến Ấn Độ, cho đến Philippines. Người dân địa phương dùng web, nhưng thường truy cập mạng một cách tạm thời bằng điện thoại thông minh, khiến cho các chức năng ngoài mạng trở nên hữu dụng.
Cô Lisa Nguyen, đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của công ty bán lẻ Internet Chỗ Tốt, cho biết: “Internet, nhất là Internet di động, đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam. Mặc dù chúng tôi bắt đầu có thể hơi chậm do với một vài nước trong vùng như Singapore, Triều Tiên và Nhật Bản, nhưng điều đó khiến chúng tôi tăng trưởng còn nhanh hơn, bởi vì đã có sẵn kỹ thuật rồi. Vì thế dễ thích nghi hơn với hoàn cảnh trong nước.”
Cũng như nhiều thị trường mới trỗi dậy khác, người dân ở Việt Nam thường sở hữu điện thoại di động hơn là laptop. Công ty nghiên cứu thị trường GfK của Đức công bố một cuộc thăm dò ngày 31 tháng 8 nói rằng Việt Nam có thị trường điện thoại thông minh phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.
Sự kiện này, cùng với khối dân trẻ say mê kỹ thuật, khiến cho YouTube hấp dẫn trong nước, theo cô Nguyễn Phương Anh. Trong khi trang web chia sẻ video này đã đưa nội dụng Việt Nam từ năm 2014, phiên bản rẻ tiền hơn của YouTube đã có ở đây từ nhiều năm rồi. Các quan sát viên nói lợi thế đó giúp trang web này thu thập một thư viện clip không có đối thủ. YouTube nói người sử dụng đã tải lên 400 giờ video mỗi phút, so với mức khoảng 70 giờ cách đây 5 năm.
Ở các thị trường khác, người tiêu thụ có thể chọn tính sáng tạo của Vimeo hay trả tiền để đăng ký dài hạn với Hulu và Netflix. Nhưng đó không phải là trường hợp ở Việt Nam.
Nguyễn Hoàng Long, quản lý thương hiệu cấp cao của công ty nước mắm Nam Ngư, đoạt một giải thưởng của YouTube nhờ phần quảng cáo thương mại, nói: “Không có nhiều chọn lựa cho người tiêu dùng. Chỉ có một số ít các trang web video, nhưng không lớn bằng.”
Cô Nguyễn Phương Anh tin rằng một lý do khác khiến YouTube cất cánh ở Việt Nam là vì người địa phương thích kinh doanh và say mê giáo dục, vì thế họ rất thích các băng video hướng dẫn cách làm mọi thứ. Cô nói họ xem các clip “giáo dục” với tỷ lệ cao hơn so với đa số dân chúng thuộc các nước trong khối Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương.
Cô nói tiếp, “Tôi thấy nhiều người trẻ khao khát học hỏi, khao khác thám hiểm, phát hiện những điều mới lạ. Và vì đó, YouTube là không gian toàn hảo để họ giao tiếp với cộng đồng toàn cầu, học những điều mà có thể họ không tiếp cận được.”