Phát hiện 208 loài sinh vật mới trong khu vực sông Mekong

WWF gọi khu vực dọc theo con sông Mekong, thủy lộ dài nhất của vùng Đông Nam Á, là một trong những biên giới cuối cùng mà con người có thể tìm thấy các loài sinh vật mới trên trái đất

Báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ngày 12/12 đánh giá khu vực sông Mekong gồm 6 nước, trong đó có Việt Nam, rất đa dạng sinh học, với nhiều loài sinh vật đa dạng, quý hiếm được tìm thấy tại đây.

Trung bình cứ hai ngày lại phát hiện được 1 loài sinh vật mới trong vùng Mekong.

Qũy WWF cho biết trong số 208 loài sinh vật mới được các nhà khoa học tìm thấy hồi năm ngoái có loài thằn lằn cái với khả năng tự sinh sản vô tính được phát hiện ở Việt Nam.

Qũy WWF gọi khu vực dọc theo con sông Mekong, thủy lộ dài nhất của vùng Đông Nam Á, là một trong những biên giới cuối cùng mà con người có thể tìm thấy các loài sinh vật mới trên hành tinh trái đất.

Tuy nhiên, vẫn theo Quỹ WWF, nhiều loài trong số các sinh vật mà giới khoa học mới phát hiện này đã bị nhắm tới làm món ăn trong thực đơn tại nhiều nước, khiến các loài sinh vật quý hiếm phải đấu tranh sinh tồn trong các môi trường sống đang ngày càng bị thu hẹp và đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Vì vậy, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên kêu gọi chính phủ Việt Nam, Lào, Campuchea, Miến Điện, Thái Lan, và Trung Quốc có biện pháp tăng cường bảo vệ hệ sinh thái đa dạng của mình, đồng thời đặt lợi ích của sự đa dạng sinh học và những cái giá phải trả khi đánh mất hệ sinh thái đa dạng làm trọng tâm thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh ở Miến Điện vào tuần tới để phê chuẩn chiến lược mới về hợp tác kinh tế giữa 6 nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng trong thập niên tới.

Nguồn: AP, AFP, DPA