Hôm 18/11, Việt Nam lên tiếng về báo cáo của Liên Hiệp Quốc liên quan đến một số phụ nữ và trẻ em gái được tuyển dụng từ Việt Nam sang Ả-rập Xê-út làm người giúp việc nhà nhưng bị lạm dụng, hành hung.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói tại buổi họp báo: “Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út nhận được một số phản ánh về tình hình người lao động Việt Nam tại đây. Ngay sau khi nhận được thông tin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật”.
“Đại sứ quán và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út cũng phối hợp với công ty phái cử của các lao động tìm biện pháp giải quyết dứt điểm các tranh chấp với chủ sử dụng, bảo vệ an toàn và quyền lợi của công dân Việt Nam” bà Hằng cho biết thêm.
Your browser doesn’t support HTML5
Trong một báo cáo hôm 4/11, một nhóm chuyên gia LHQ nêu hiện tượng một số phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam bị chủ lao động đánh đập và lạm dụng sau khi được tuyển dụng sang Ả-rập Xê-út làm người giúp việc.
“Chúng ta đang chứng kiến những kẻ buôn người nhắm vào phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói, nhiều người trong số họ vốn dễ bị tổn thương và bị gạt ra ngoài lề của xã hội,” các chuyên gia nhân quyền của LHQ viết trong cáo báo. “Những kẻ buôn người này hoạt động mà không bị trừng phạt.”
Bà Hằng cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam “luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại, các công ty quản lý và sử dụng lao động, giữ liên lạc với cộng đồng người Việt Nam ở sở tại nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, làm việc, lao động ở nước ngoài, đồng thời sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong đó đặc biệt là lao động nữ và trẻ em trong trường hợp cần thiết”.
Theo các chuyên gia của LHQ, sau khi ký hợp đồng với các công ty tuyển dụng lao động tại Việt Nam, một số trẻ em gái và phụ nữ đã làm việc tại Ả-rập Xê-út và bị chủ lao động ở đây “lạm dụng tình dục, đánh đập, tra tấn và đối xử tàn bạo.”
Cũng theo báo cáo của LHQ, những phụ nữ Việt Nam thường bị bỏ đói và không được điều trị y tế cũng như không được trả lương hoặc trả lương thấp hơn quy định trong hợp đồng của họ.
Gần đây vấn đề người lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út bị bạo hành thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là sau khi VOA ghi nhận các trường hợp nữ lao động Việt Nam được cho là bị chủ ngược đãi dẫn tới những tổn thương về thể xác và tinh thần, trong đó có một thiếu nữ 17 tuổi tử vong sau hai năm lao động tại quốc gia Trung Đông.
XEM THÊM: LHQ kêu gọi Việt Nam trấn áp nạn buôn bán người lao động xuất khẩu sang Ả-rập XEM THÊM: Vụ H Xuân Siu: Thi hài đã được chôn ở Ả-rập Xê-út, gia đình thất vọng và tức giậnCũng liên quan đến lao động Việt Nam ở nước ngoài, bà Hằng hôm 18/11 nêu phản ứng của Việt Nam trước các tin tức cho rằng một nhóm lao động của Việt Nam đang bị giam cầm tại một nhà máy thuộc sở hữu của Trung Quốc tại Serbia.
“Chúng tôi cũng vừa liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani kiêm nhiệm Serbia. Đại sứ quán cho biết đã có thông tin từ một số báo chí của Serbia và hiện đang nỗ lực xác minh thông tin, trước hết là liên hệ với các công nhân tại Serbia, các công ty phái cử và các cơ quan liên quan tại sở tại”.
“Thông tin ban đầu của Đại sứ quán cho biết không có chuyện bị hành hung và đánh đập” bà Hằng nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết bộ này đã chỉ đạo Đại sứ quán tiếp tục liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu thông tin và có biện pháp bảo hộ công dân cần thiết đối với người lao động Việt Nam tại Serbia.