Hôm 21/4, Việt Nam cho biết cuộc tập trận quân sự với Nga là nhằm “tăng cường hợp tác, hữu nghị vì hòa bình”. Cuộc tập trận sẽ diễn ra khi Nga đang tiến hành cuộc xâm lược Ukraine và giới quan sát cho rằng có khả năng Hoa Kỳ sẽ trừng phạt Việt Nam vì Hà Nội tiếp tục duy trì mối quan hệ quân sự với Moscow.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói tại cuộc họp báo khi được yêu cầu bình luận về cuộc tập trận sắp diễn ra với Nga: “Chủ trương nhất quán của Việt Nam về hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và các nước là tăng cường hợp tác, hữu nghị vì hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới”.
Trước đó, quân khu miền đông của Nga thông báo nước này và Việt Nam đang lập kế hoạch tiến hành diễn tập quân sự chung nhằm “rèn luyện kỹ năng chỉ huy và tham mưu trong việc tổ chức hoạt động huấn luyện chiến đấu”, một số hãng tin trong đó có Sputnik của Nga và ANI ở Đông Nam Á đưa tin hôm 19/4.
Tin cho hay, cả hai bên đã xác định ngày giờ và địa điểm tổ chức, nhưng bản thông báo của Quân khu miền đông của Nga không công bố những thông tin đó. Cuộc diễn tập chung được đề xuất mang tên “Liên minh lục địa 2022”, cũng theo Quân khu miền đông.
Your browser doesn’t support HTML5
Theo thông tin trên trang web của Bộ Quốc phòng Nga, hai bên đã họp trực tuyến bàn kế hoạch diễn tập quân sự chung Nga-Việt với sự chủ tọa của Thiếu tướng Sergei Lagutkin, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát khu vực, Đại tá Ivan Taraev, Trưởng phòng Hợp tác quân sự quốc tế của Bộ Quốc phòng Nga, và Thiếu tướng Đỗ Đình Thanh, Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Cuộc tập trận quân sự chung Nga-Việt này sẽ diễn ra trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraina kéo dài từ ngày 24/2 và chịu nhiều thiệt hại nặng nề, trong khi Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng về nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraine và bỏ phiếu chống về việc LHQ loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền do quân đội Nga bị coi là chà đạp lên nhân quyền ở Ukraine.
Nhận định về cuộc tập trận này, nhà báo Anh David Hutt, hôm 21/4 viết trên trang Asia Times rằng Việt Nam có thể sớm bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vì tiếp tục quan hệ quân sự với Nga khi phương Tây tìm kiếm các điểm gây áp lực thứ cấp mới để trừng phạt Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine.
“Nếu diễn ra, các cuộc tập trận này có thể gây nguy hiểm cho các mối quan hệ chiến lược đang được cải thiện của Hà Nội với Hoa Kỳ, vốn đã mở rộng đáng kể trong những năm gần đây với mục tiêu kiềm chế sự xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Ông Hutt đề cập đến Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ bằng các các biện pháp trừng phạt (CAATSA) được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2017, theo đó có nhiều điều khoản đe dọa trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào mua vũ khí từ Nga. Trong trường hợp này, rất có thể Washington sẽ trừng phạt Hà Nội vì Nga là nhà cung cấp vũ khí quân sự lớn nhất của Việt Nam, với gần 80% thiết bị quân sự của Hà Nội có nguồn gốc từ Moscow kể từ năm 2000, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Trang Asia Times dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích tại Đại học Victoria, Wellington, New Zealand cho biết nếu các biện pháp trừng phạt CAATSA được áp dụng đối với Việt Nam, thì có lẽ nó sẽ không xảy ra cho đến sau Hội nghị cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ “như một cử chỉ thiện chí”.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng khả năng Mỹ trừng phạt Việt Nam vẫn còn thấp, vì rằng lợi ích của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không thay đổi kể từ khi xảy ra cuộc chiến Ukraine.