Gần ba tháng sau khi bị Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) chất vấn về việc bắt giam các nhà hoạt động vì quyền đất đai liên quan đến vụ Đồng Tâm, chính quyền Việt Nam phản hồi rằng việc khởi tố, bắt giữ như thế là “cần thiết để ngăn chặn hành vi bỏ lọt tội phạm,” theo thông tin do OHCHR công bố.
Trong công hàm đề ngày 4/2/2021, Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Geneva cho biết “Các cáo buộc được đưa ra trong Kháng thư Chung là không chính xác và không phản ánh bản chất của sự việc.”
“Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã bắt giữ ông Trịnh Bá Phương, ông Trịnh Bá Tư, bà Cấn Thị Thêu, bà Nguyễn Thị Tâm và bà Phạm Đoan Trang là nhằm mục đích diều tra các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt nam; việc bắt giữ này không phải là do họ là những người bảo vệ nhân quyền hay vì họ thực hiện quyền tự do biểu đạt,” công hàm của Việt Nam có đoạn viết.
“Việc bắt giữ và điều tra đã được tiến hành tuân thủ các thủ tục tố tụng và theo quy định của pháp luật Việt Nam, và tôn trọng đầy đủ quyền lợi của các bị cáo,” phía Việt Nam cho biết thêm.
Trước đó, vào ngày 10/11/2020, năm cơ quan độc lập của LHQ đã ra Kháng thư Chung chất vấn chính quyền Việt Nam về việc bắt giữ các nhà hoạt động nêu trên sau khi họ đưa tin tức về vụ động độ giữa chính quyền Hà Nội và người dân Đồng Tâm vào tháng 1/2020.
Phía LHQ đưa ra thời hạn 60 ngày để phía Việt Nam phản hồi kháng thư này. Tuy nhiên, như phần lớn các kháng thư liên quan đến các nhà tranh đấu nhân quyền khác, phía Việt Nam phản hồi sau thời hạn này.
Vào tháng 6/2020, bốn người, trong đó có gia đình ba người bao gồm nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, em trai Trịnh Bá Tư, và mẹ là bà Cấn Thị Thêu, bị chính quyền Việt Nam bắt giữ theo Điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”
Ông Trịnh Bá Khiêm, cha của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, nói với VOA rằng việc bắt bớ này “rất bất công.”
“Chế độ Cộng sản này thích bắt người là họ bắt, họ thích quàng tội ai thì quàng tội.
“Chế độ này rất bất công!”
“Chính quyền Hà Nội bắt con trai tôi Trịnh Bá Phương để trả thù vì lên tiếng vụ Đồng Tâm,” ông Khiêm nói.
Your browser doesn’t support HTML5
“Điều tra ban đầu của cơ quan công an cho thấy Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu và Nguyễn Thị Tâm đã lợi dụng vụ Đồng Tâm vào tháng 1/2020 để đăng nhiều bài viết, video lên mạng xã hội xuyên tạc sự thật, kích động các cá nhân vùng lên lật đổ Nhà nước Việt Nam. Những hành vi này đã vi phạm Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, xâm phạm quyền, uy tín của người khác cũng như an ninh quốc gia, trật tự an toàn công cộng, sức khỏe và đạo đức xã hội,” phái đoàn Việt Nam viết trong công hàm 4/2/2021.
Liên quan đến cáo buộc bức cung nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, công hàm của Việt Nam viết: “Những cáo buộc cho rằng Phạm Đoan Trang bị bức cung, đe dọa, buộc phải lẩn trốn do lo ngại có thể bị giam giữ lâu dài là không có căn cứ.”
“Việc bắt giữ Phạm Đoan Trang nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội hoặc tránh những khó khăn trong quá trình điều tra cũng như việc làm rõ hành vi phạm tội của bà Trang là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với các công ước về quyền con người mà Việt Nam tham gia,” phía Việt Nam cho biết thêm.
Your browser doesn’t support HTML5
Chính quyền Việt Nam bắt giữ bà Phạm Đoan Trang vào tháng 10/2020, cũng với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Trả lời về vụ đụng độ vào ngày 9/1/2020 tại xã Đồng Tâm, Phái đoàn Việt Nam cho rằng “một nhóm người lợi dụng việc khiếu kiện về đất đai để kích động, phá hoại an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ...nhóm đối tượng này đã kích động một số người dân chuẩn bị vũ khí trái phép (mua lựu đạn, chế tạo bom xăng …); lên kế hoạch chống lại cán bộ thi hành công vụ, thậm chí dọa giết công an, phá hỏng các công trình công cộng như trạm biến áp, trạm xăng dầu, trụ sở cơ quan nhà nước.”
“Vụ Đồng Tâm là vụ án hình sự thông thường, hung thủ kích động bạo lực, phá hoại an ninh trật tự, chuẩn bị hung khí, phương tiện chống trả cán bộ thi hành công vụ và giết người,” phía Việt Nam nhận định.