Các phân tích gia đã đặt nghi vấn về tính minh bạch trong vấn đề chi tiêu ngân sách của chính phủ sau khi có loan báo rằng khoản nợ công của Việt Nam đã tăng mạnh kể từ năm 2009.
Hôm thứ Tư, chính phủ đã báo cáo với Quốc hội rằng khoản nợ công của Việt Nam đã tăng lên tới 56.7% GDP so với con số 44.7% của năm 2009.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng theo cách tính thông thường của thế giới thì nợ công của Việt Nam đã lên đến 70% chứ không phải 56.7% GDP như tính toán của Chính phủ. Bởi theo báo cáo giám sát của Quốc hội, riêng dư nợ nội địa của các doanh nghiệp Nhà nước năm 2008 đã chiếm 20% GDP.
Hãng thông tấn Đức trích lời kinh tế gia Bùi Kiến Thành cho hay không có cách nào để biết rằng liệu có thể tin được vào số liệu nợ mà chính phủ công bố hay không.
Ông Thành nói rằng chính phủ đã không giải thích đầy đủ phương thức tính nợ hay liệt kê báo cáo các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước cũng như các công ty con của các doanh nghiệp này.
Trả lời báo chí Việt Nam, ông Thành cũng cho rằng Việt Nam có một điều đặc biệt là đi vay nước ngoài rồi chuyển vốn cho các tập đoàn kinh tế sử dụng. Như trường hợp Vinashin được vay 750 triệu đôla từ nguồn phát hành trái phiếu của Chính phủ. Đến nay Vinashin không có khả năng hoàn trả khoản tiền này.
Ngoài Vinashin, còn nhiều tập đoàn kinh tế khác đi vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Khi các tập đoàn không có khả năng thanh toán thì Chính phủ phải đứng ra trả thay.
Giải trình về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định các khoản nợ công như Chính phủ báo cáo là chính xác, được tính theo tỉ giá hiện tại và không bao gồm nợ của doanh nghiệp. Ông Ninh cho rằng hiện nay, nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn.
Loan báo về khoản nợ công gia tăng đã càng làm tăng áp lực lên tiền đồng khiến cho giá đôla ở thị trường tự do đã lên tới 21.030 đồng/một đôla so với giá hôm thứ ba là 19.980 đồng/một đôla.
Nguồn: DPA, Thanh Nien, Tien Phong