Việt Nam và Nga đang dự tính khởi sự việc hợp tác cùng sản xuất một loại phi đạn chống chiến hạm trong năm nay, một động thái mới nhất trong nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ ven biển của Việt Nam.
Hãng thông tấn quốc tế Ria Novosti của Nga trích thuật loan báo ngày 15/2 của người đứng đầu cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga, ông Mikhail Dmitriyev, cho biết phía Nga định xây dựng các cơ sở tại Việt Nam để chế tạo một phiên bản của phi đạn siêu âm chống hạm Uran SS-N-25 Switchblade, tương tự như dự án hợp tác sản xuất phi đạn Brahmos giữa Nga với Ấn Ðộ.
Phi đạn này có thể được phóng từ trên không, trên biển, lẫn trên bộ như từ trực thăng, từ trên tàu chiến, hay từ các hệ thống phòng thủ duyên hải với tầm hoạt động lên tới 250 cây số và mang theo đầu đạn có sức công phá cao nặng 145 kg.
Giới chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam rất cần sở hữu và trang bị phi đạn chống hạm vừa kể trước sức mạnh đang gia tăng của hải quân Trung Quốc giữa bối cảnh tranh chấp Biển Đông leo thang. Tiến sĩ Ian Storey thuộcViện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore phát biểu trên tờ Bloomberg ngày 16/2 rằng dù không thay đổi được cán cân quyền lực trong khu vực, nhưng dự án hợp tác sản xuất phi đạn chống hạm với Nga này là một sự phát triển đáng kể đối với Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi tức thời trước yêu cầu bình luận về tin này.
Thời gian gần đây, Việt Nam đã có được một số tàu ngầm và máy bay chiến đấu trong quá trình hiện đại hóa quân sự để khẳng định chủ quyền tại vùng lãnh hải giàu tài nguyên trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố làm chủ.
Nga, nước xuất khẩu võ khí lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ, cho hay trong năm rồi Moscow thu về 13,2 tỷ đô la từ các hợp đồng bán võ khí. Trong đó Việt Nam, Ấn Độ, và Algeria chiếm phân nửa tổng số võ khí xuất khẩu của Nga năm 2011.
Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc được nói là sẽ tăng gấp đôi vào năm 2015, chiếm hơn phân nửa tổng chi tiêu quốc phòng của cả khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Ngân sách dành cho quốc phòng của Bắc Kinh trong năm ngoái tăng trên 12%, tới 91,5 tỷ đô la. Nhưng các chuyên gia cho rằng con số trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với con số công bố chính thức này.
Nguồn: Ria Novosti, Bloomberg, Defenseworld.net