Ai sẽ làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam?

Cựu HLV Henrique M. Da Silva Calisto (trái) của đội tuyển Việt Nam trong trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan trong khuôn khổ Cúp AFF 2008 trên SVD Mỹ Ðình, Hà Nội, Việt Nam.

Việt Nam đang gấp rút tìm huấn luyện viên trưởng cho đội tuyển bóng đá quốc gia thay cho nhà cầm quân người Bồ Đào Nha Henrique Calisto. Xu hướng của các giới chức quản lý bóng đá Việt Nam và đa số giới am tường cho rằng một huấn luyện viên người nước ngoài là thích hợp nhất cho bóng đá Việt Nam, nhưng cũng có nhiều ý kiến nói rằng đã đến lúc huấn luyện viên nội có thể đảm đương nhiệm vụ.

Bóng đá Việt Nam bị rơi vào cuộc khủng hoảng huấn luyện viên khi nhà cầm quân người Bồ Đào Nha Henrique Calisto bất ngờ chia tay đội tuyển quốc gia không lâu sau thất bại tại cúp bóng đá Đông Nam Á AFF 2010.

Trong lúc các huấn luyện viên trong nước không mạnh dạn vào cuộc để tranh chức lãnh đạo đội tuyển quốc gia, thì Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhận đến hàng chục lá đơn xin ứng thí từ các huấn luyện viên người nước ngoài. Theo nhà bình luận thể thao Minh Hải ở Hà Nội, thì thực tế này phù hợp với xu hướng của cơ quan quản lý bóng đá Việt Nam.

BLV Minh Hải: "Hiện nay Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đang nhận được đơn ứng cử của các huấn luyện viên rất có tiếng trên thế giới, mà người mới nhất là Hristo Stoichkov, cựu cầu thủ người Bulgaria từng đá [rất thành công] cho Barcelona, và ông Peter Ried, người đã cầm quân rất nhiều ở giải ngoại hạng Anh. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vẫn đang chờ những câu trả lời của các ứng viên.

Nếu được chọn, thì ứng cử viên nhất thiết phải có một trong những điểm mạnh sau đây:

- Thứ nhất là phải có một hướng phát triển để có thể xây dựng một lối đá Việt Nam cho người Việt Nam;

- Thứ hai là phải có kinh nghiệm xử lý được những vấn đề về nhân sự. Đội tuyển quốc gia thường là tập hợp của rất nhiều cá nhân rất xuất sắc. Do đó nếu một người không biết quản lý về nhân sự sẽ gặp nhiều khó khăn, như chúng ta đã từng gặp phải những bài học về nhân sự tương đối nghiêm trọng;

- Như chúng ta đều biết là huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Việt Nam thì thường phải lĩnh luôn trách nhiệm như là một giám đốc kỹ thuật, tức là người phải đưa ra tất cả những quyết định về chuyên môn cũng như định hướng cho nền bóng đá của đội tuyển quốc gia, trong đó đội tuyển trẻ.

Hiện đang có một luồng thông tin, có lẽ là luồng chính thống nhất bên phía Liên đoàn, đó là có thể họ sẽ sử dụng huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia là một người nước ngoài, và cho đội U-23 là một huấn luyện viên trong nước."


Tuy nhiên cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc các huấn luyện viên trong nước nên đảm đương nhiệm vụ này là phù hợp với điều kiện hiện nay của bóng đá Việt Nam -- như nhận định sau đây của cựu ngôi sao Đặng Phương Nam của đội tuyển Việt Nam và hiện là huấn luyện viên của đội trẻ Viettel ở Hà Nội.

HLV Đặng Phương Nam: "Tất nhiên nếu chọn được một huấn luyện viên ngoại thực sự tốt cho bóng đá Việt Nam thì huấn luyện viên ngoại vẫn là tốt nhất. Nhưng với điều kiện kinh tế chúng ta có, và với nền bóng đá chúng ta đang có, thì liệu chúng ta có mời được huấn luyện viên ngoại thực sự tốt cho bóng đá Việt Nam hay không.

Và huấn luyện viên ngoại đó có thực sự hiểu bóng đá Việt Nam hay không, họ có hiểu được thể trạng, con người, lối chơi ... của Việt Nam hay không là một vấn đề khác nữa.

Thế nên ở thời điểm hiện tại, với những gì chúng ta đang có thì tôi thiên về chọn huấn luyện viên nội hơn.

Cá nhân tôi cho rằng hiện nay, Lê Huỳnh Đức sẽ là một lựa chọn tương đối hợp lý, bởi vì Lê Huỳnh Đức đã thể hiện được mình trong vai trò huấn luyện viên trưởng của SHB Đà Nẵng, đã đoạt chức vô địch quốc gia, đã đoạt được chức vô địch V-League rồi. Một điểm nữa là Lê Huỳnh Đức đã từng là học trò của huấn luyện viên Calisto, nên rất hiểu cái triết lý bóng đá của Calisto. Và nếu như bóng đá Việt Nam phải đi tìm một hướng đi khác thì mới có thể duy trì được lối chơi đó, thì tôi nghĩ rằng Lê Huỳnh Đức là một sự lựa chọn rất thích hợp trong thời điểm này."


Nhiều năm qua Việt Nam vẫn thuê một huấn luyện viên ngoại quốc và phải trả những mức lương như được mô tả là "cao ngất ngưỡng," song theo bình luận viên Minh Hải thì vẫn chưa đến lúc Việt Nam có thể thay đổi được thực tế này.

BLV Minh Hải: “Thống kê của tôi cho thấy trong 20 năm trở lại đây có 4 huấn luyện viên nội lên nắm quyền, tuy nhiên họ không đặt được bất cứ một dấu ấn nào quan trọng cho nền bóng đá của chúng ta. Lý do rất đơn giản, bởi vì họ có những nhược điểm như sau:

- Nhược điểm thứ nhất họ là người Việt Nam -- thì thường là sống rất duy tình và khó có thể đưa ra những quyết định mang tính cách mạng, hoặc bước ngoặc. Đó là những cái mà ngày xưa huấn luyện viên Karl-Heinz Weigang người Đức đã làm rất tốt, ông thậm chí đã đuổi những cầu thủ có dấu hiệu chơi không hết mình, và những người tham gia gây tổn hại cho sự đoàn kết của đội bóng. Huấn luyện viên Riedl cũng đã trục xuất nững người như vậy khỏi đội tuyển. Nói như thể để cho thấy rằng một huấn luyện viên ngoại khi được trao ấn kiếm thì họ vẫn luôn luôn phát huy được tốt nhất;

- Thứ hai là các huấn luyện viên ngoại thường là những người có khả năng cập nhật tốt hơn về mặt chuyên môn. Theo một con số thống kê của tôi thì gần như hiện nay các huấn luyện viên nội của bóng đá Việt Nam thường không sử dụng máy vi tính. Trong khi đó các huấn luyện viên ngoại, trong đó có ông Riedl và ông Calisto, sử dụng rất thành thạo máy tính, laptop ... và khai thác mạng Internet rất hiệu quả. Điều đó rất có lợi, bởi vì hàng năm tiểu bang kỹ thuật của FIFA lại tổng hợp và đưa lên những video, những sa bàn phân tích về chiến thuật, lối đá để trao dồi cho các huấn luyện viên trên toàn thế giới nói chung;

- Tuy nhiên điều cực kỳ khó hiện nay, rào cản lớn nhất đối với các huấn luyện viên nội đó là khả năng chịu trách nhiệm. Họ cảm thấy rất lo khi lên nắm đội mà không mang về một thành tích gì đó tốt cho đội tuyển thì sẽ rất khó khăn, nhất là khi những người tiền nhiệm đã cực kỳ thành công rồi. Bây giờ mà nói về bóng đá Việt Nam là người ta nói đến những huấn luyện viên ngoại, khiến cho những huấn luyện viên nội không dám – nói chính xác hơn là không dám đánh cược cái tương lai của mình."


Tuy nhiên theo huấn luyện viên Đặng Phương Nam thì với những điều kiện thực tế hiện nay, thì một nhà cầm quân giỏi cấp thế giới cũng chưa chắc đã giúp Việt Nam vực dậy nổi nền bóng đá.

HLV Đặng Phương Nam: "Tôi không tin vào điều đó. Kể cả có ai đến Việt Nam đi nữa mà muốn đặt dấu ấn thì có lẽ họ cũng cần thời gian, không chỉ là vài tháng. Bởi vì bóng đá Việt Nam bây giờ mặc dù đã chuyển lên cơ chế chuyên nghiệp nhưng vẫn còn nhiều cái phải gọi là rất nghiệp dư.

Lấy thí dụ như bản thân ông Bryan Robson là một huấn luyện viên rất giỏi, tầm cỡ ở châu Âu. Ông đã đến với Thái Lan gần một năm rồi nhưng cũng chưa mang lại một thành tích nào cho bóng đá Thái Lan cả, và cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác huấn luyện.

Nên tôi nghĩ rằng cái khó của huấn luyện viên chuyên nghiệp đến với Việt Nam là nền bóng đá của chúng ta chưa thực sự chuyên nghiệp, cách nghĩ, cách sinh hoạt và khả năng của các cầu thủ của chúng ta cũng chưa thực sự chuyên nghiệp.

Vấn đề nằm ở điểm đó. Tại sao huấn luyện viên Calisto ra đi? Tôi nghĩ rằng một phần ông đã nhìn thấy được những mức giới hạn của các cầu thủ Việt Nam trong thời gian sắp tới, chứ không đơn thuần là những vấn đề mà chúng ta giải thích.

Thế nên nhiệm vụ của người cầm quân sắp tới của đội tuyển Việt Nam thực sự là rất khó để có thể tiếp tục duy trì và dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đến những thành công mới. Tôi nghĩ rằng họ cần phải có thời gian dài hơi, có thể là kế hoạch 3 năm hay 5 năm. Họ phải có một lối đi chiến lược cho đội tuyển Việt Nam, từ công tác đào tạo trẻ, tìm kiếm tài năng, cho đến việc dẫn dắt đội tuyển chính.

Phải nhớ rằng sở dĩ chúng ta thất bại tại AFF Cup 2010 là bởi vì chúng ta không có lứa cầu thủ trẻ kế cận, trong khí lứa cầu thủ thế hệ vàng của chúng ta thì đã qua giai đoạn đỉnh cao.

Trong khi đó nếu chúng ta nhìn xem Malaysia, họ đã dùng một thế hệ trẻ hoàn toàn, và đã sử dụng huấn luyện viên nội, và người ta đang có sự thành công – là vì sao? Là vì người ta đã làm bóng đá từ gốc. Và họ đang đi đúng hướng khi họ tận dụng tối đa nguồn lực của nội lực. Họ không sử dụng cầu thủ ngoại, họ không sử dụng huấn luyện viên ngoại. Tôi nghĩ rằng đó cũng là một cách làm đáng để chúng ta nghiên cứu và học tập."


Còn chưa đầy hai tháng nữa Việt Nam sẽ bắt đầu đá vòng loại tranh vé dự vòng chung kết bóng đá Olympic 2012, một mục tiêu mà Việt Nam chưa bao giờ đặt tới. Và cuối năm nay Việt Nam sẽ tiếp tục hành trình đi tìm danh hiệu huy chương vàng bóng đá SEA Games, một mơ ước mà Việt Nam chưa bao giờ đạt được.