Hai sân bay quốc tế lớn nhất của Việt Nam bị đưa vào danh sách các phi trường tệ nhất Châu Á trong bảng khảo sát 2014 do trang mạng The Guide to Sleeping in Airports thực hiện.
Kết quả vừa công bố được báo chí Việt Nam trích đăng cho thấy sân bay Nội Bài ở Hà Nội xếp thứ 5 và phi trường Tân Sơn Nhất ở TPHCM giữ hạng 8 trong danh sách 10 sân bay tồi nhất khu vực vì các điều kiện cơ sở hạ tầng và phục vụ yếu kém.
Cuộc khảo sát được thực hiện qua ý kiến bầu chọn của những người du hành quốc tế dựa vào các yếu tố chính như vệ sinh sân bay, thái độ phục vụ, và điều kiện về cơ sở vật chất của phi trường.
Báo nhà nước dẫn lời giới chức hàng không Việt Nam bác bỏ đánh giá của cuộc khảo sát, nói rằng ‘không phản ánh đúng thực tế và thiếu khách quan.’
Một hành khách quốc tế đã trên 50 lần bay sang Việt Nam từ năm 1997 tới nay mà chuyến đi mới nhất chỉ cách đây vài tháng, đồng tình với kết quả trên bảng xếp hạng.
Your browser doesn’t support HTML5
Giáo sư Jonathan London thuộc Đại học Thành thị Hong Kong, nhà xã hội học-kinh tế chính trị học chuyên về Việt Nam, nhận xét:
“Sân bay của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề lắm. Riêng chuyện phải chờ mãi mới lấy được hành lý ở sân bay Nội Bài của Hà Nội đã là một yếu tố làm cho tôi rất chán. Rất nhiều lần, đến mức hiện nay tôi luôn cố gắng để chỉ mang một túi carry-on mà thôi, vì không muốn chờ hơn 30 phút để lấy hành lý. Sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn cũng hơi chật và đã có khi tôi phải xếp hàng chờ đợi rất lâu. Về vấn đề hối lộ, tôi chưa gặp khó khăn nào, tôi chưa đưa tiền cho ai cả, đặc biệt những người Việt kiều về nước muốn tránh vấn đề thì có hiện tượng họ cho tiền vào hộ chiếu, nhưng bản thân tôi chưa gặp.”
Du khách thường xuyên sang Việt Nam này nói vấn đề nhức nhối nhất của các sân bay Việt Nam là điều kiện vệ sinh vô cùng thấp.
Giáo sư London:
“Vấn đề vệ sinh không phải là chuyện đặc biệt ở sân bay mà là một vấn đề ở cả nước Việt Nam. Việt Nam muốn phát triển các dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế thì việc nâng cao thực hiện vệ sinh ở các sân bay là rất nên cố gắng thực hiện và giải quyết. Những điều kiện ở các sân bay Việt Nam sẽ tạo ra những cảm giác đáng nhớ đối với khách sang Việt Nam. Họ vào các phòng vệ sinh ở sân bay Việt Nam thấy quá tệ, quá tồi thì chắc chắn họ sẽ nhớ. Vì vậy, nên ưu tiên cho những sân bay đã.”
So sánh điều kiện phi trường của Việt Nam với các nước lân cận trong khu vực với ánh mắt một hành khách thường xuyên qua lại các nước Châu Á, Giáo sư Jonathan London cho rằng:
“Nếu đánh giá sân bay Việt Nam so với trước đây khoảng 10 năm, tôi sẽ cho khoảng 6 điểm cho những tiến bộ đã đạt. Nhưng nếu so sánh với các sân bay khác trong khu vực, tôi nghĩ chỉ đạt 4 điểm tối đa, tức chưa đạt mức trung bình.”
Trang mạng The Guide to Sleeping in Airports được thành lập từ năm 1996 có chức năng là kho dữ liệu đánh giá các sân bay trên toàn thế giới.
Nguồn: Sleepinginairports.net/TuoiTre/ThanhNien/VOA Interview