Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc chuyến thăm đến Myanmar, tuyên bố rằng Việt Nam tiếp tục ủng hộ “các mục tiêu nhân đạo, tái thiết ở bang Rakhine,” nơi có hàng trăm nghìn người dân tộc Rohingya buộc phải sang Bangladesh lánh nạn sau các vụ sát hại của chính quân đội nước này.
“Phía Myanmar cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã thông hiểu tình hình bang Rakhine cũng như đã hỗ trợ Myanmar 100.000 đôla để phục vụ các mục tiêu nhân đạo, tái thiết và phát triển bang Rakhine,” truyền thông Việt Nam hôm 19/12 dẫn Tuyên bố chung về củng cố quan hệ Việt Nam-Myanmar, cho biết.
“Việt Nam bày tỏ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Myanmar nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật và thúc đẩy hòa hợp, hòa giải giữa các cộng đồng, bảo đảm sự phát triển bền vững và công bằng ở bang Rakhine,” tuyên bố viết tiếp.
Việt Nam và Myanmar đánh giá cao sự hỗ trợ của ASEAN và Trung tâm Hỗ trợ Nhân đạo ASEAN (AHA) đối với Myanmar “trong giải quyết vấn đề nhân đạo và tạo điều kiện cho quá trình hồi hương người tị nạn ở bang Rakhine.”
Trước đó, vào ngày 28/1, với tư cách Đặc phái viên Thủ tướng, ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đã thông báo việc Việt Nam quyết định hỗ trợ Chính phủ Myanmar 100.000 đôla để phục vụ các hoạt động nhân đạo, tái thiết và phát triển bang Rakhine, dưới sự chứng kiến của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi.
Your browser doesn’t support HTML5
Vào đầu tuần này, tại tòa Tòa án Công lý Quốc tế ở La Haye, bà Suu Kyi bác bỏ cáo buộc cho rằng quân đội Myanmar phạm tội diệt chủng đối với người thiểu số Rohingya.
Hiện có khoảng 740.000 người Rohingya trốn chạy sang nước láng giềng Bangladesh sau khi bị quân đội Myanmar đàn áp đẫm máu vào năm 2017 mà các nhà điều tra LHQ mô tả là diệt chủng và thanh trừng sắc tộc.
Vào đầu năm ngoái, Myanmar và Bangladesh đã hoàn tất một thỏa thuận để hồi hương nhóm người Rohungya và tiến trình này cho đến nay vẫn bị ách tắc.
Quân đội Myanmar bị cáo buộc lãnh đạo một chiến dịch tàn bạo vào năm 2017 tại bang Rakhine chống lại người Rohingya, một sắc dân thiểu số phần lớn theo Hồi Giáo mà quốc gia đa số theo Phật giáo không xem những người này là công dân.
XEM THÊM: Hoa Kỳ tăng cường chế tài Tổng Tư lệnh quân đội MyanmarTrong diễn biến liên quan, Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar đang sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 - 22/12. Truyền thông Việt Nam gọi chuyến thăm này là “nhằm góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước, hai quân đội.”
Vào tháng 7 năm nay, chính phủ Hoa Kỳ cấm Thống Tướng Min Aung Hlaing nhập cảnh vào nước Mỹ, và vào ngày 10/12 vừa rồi, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã phong tỏa bất cứ tài sản nào của ông này tại Mỹ và hình sự hóa những giao dịch tài chánh của bất cứ người nào tại Mỹ đối với ông.
Bộ Tài chánh Mỹ áp đặt những chế tài tương tự đối với 3 chỉ huy cao cấp khác của Myanmar, cũng như 14 cá nhân thuộc các nước khác nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12.
Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Steven Mnuchin nói: “Hoa Kỳ sẽ không dung thứ việc tra tấn, bắt cóc, bạo động tình dục, giết hại hay hành xử tàn bạo đối với thường dân vô tội.”