‘Quan hệ giữa VN – TQ vẫn gần gũi hơn so với Hoa Kỳ'

Phó Giáo sư Vũ Tường của Đại học Oregon

Thưa quý vị, một hội nghị chuyên đề về 15 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 8 – 9/7 tới đây, với sự tham dự của các giới chức hai nước. Phó Giáo sư Vũ Tường của Đại học Oregon, là một trong các học giả ở hải ngoại được mời tham gia trình bày tham luận tại hội nghị này. Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ đã phỏng vấn giáo sư Tường trước khi ông lên đường đi Hà Nội, và câu hỏi đầu tiên là khía cạnh nào đáng chú ý nhất trong mối bang giao Hà Nội – Washington thời gian qua.

Phó Giáo sư Vũ Tường: Khía cạnh đáng chú ý nhất trong mối bang giao Hà Nội – Washington thời gian qua là sự tăng cường quan hệ, tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng mà ví dụ điển hình là việc tìm kiếm quân nhân Mỹ và Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Một điểm đáng chú ý khác là sự tăng cường kinh tế giữa hai bên. Hiện nay Hoa Kỳ là nước đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, và cũng là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam.

VOA: Là một người công tác tại Đại học Oregon, theo ý kiến của ông, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ vững mạnh lên sẽ mang lại lợi ích gì cho các du học sinh nói riêng và ngành giáo dục Việt Nam nói chung?

Phó Giáo sư Vũ Tường: Đây cũng là một điểm sáng cần phải chú ý, nhất là về sự gia tăng của du học sinh Việt Nam ở Mỹ. Tôi nghĩ điều này phù hợp với xu hướng phát triển mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Sẽ ngày càng có nhiều sinh viên hơn sang du học ở Mỹ, và sau khi học song thì họ có thể giúp đỡ, làm mạnh thêm mối quan hệ.

VOA: Mới đây, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak có nói rằng lòng tin giữa Hà Nội và Washington đã gia tăng nhiều trong hơn một thập niên qua. Ông có đồng quan điểm với ngài Đại sứ không?

Phó Giáo sư Vũ Tường: Tôi cũng đồng quan điểm với ngài Đại sứ. Tôi nghĩ vẫn còn có thể tăng được nữa, nhưng với tốc độ như hiện nay thì cũng là được rồi.

VOA: Lý do vì sao ông nghĩ rằng lòng tin đó có thể gia tăng nữa?

Phó Giáo sư Vũ Tường: Lòng tin là vấn đề thời gian mà. Trước nay thì có sự xung đột và mối nghi ngờ của Việt Nam đối với Hoa Kỳ, thành ra cần phải có thời gian để giảm bớt sự nghi ngờ và làm tăng sự tin tưởng. Với ý muốn của ông Đại sứ, cũng như chính phủ Mỹ là tăng cường mối quan hệ và đưa ra các biện pháp để tăng cường lòng tin giữa hai nước, cộng với sự hợp tác ngày càng tăng, cũng như mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng, số sinh viên sang Mỹ ngày càng tăng, tôi nghĩ xu hướng là thuận lợi.

VOA: Thưa ông, một số ý kiến ở hải ngoại cho rằng Washington không nên trao cho Việt Nam những ưu tiên về thương mại cho tới khi có một sự cải thiện rõ rệt về nhân quyền và tự do tôn giáo. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Phó Giáo sư Vũ Tường: Tôi nghĩ rằng ý kiến này không có gì là sai, nhưng cũng có cái hạn chế của nó. Nếu muốn tiếp tục các biện pháp tăng cường lòng tin giữa hai bên thì cần phải tiếp tục có mối quan hệ trao đổi tích cực từ phía Hoa Kỳ, và hy vọng Việt Nam sẽ đáp ứng lại. Tôi tin là như vậy, không sớm thì muộn.

VOA:
Vì sao ông lại có niềm tin như thế?

Phó Giáo sư Vũ Tường: Tôi đã xem xét xu thế phát triển trong 15 năm qua, và tôi thấy đó là điều đã xảy ra trong thời gian đó. Tôi chưa thấy có yếu tố nào làm cho xu thế đảo ngược đi. Với quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như các nước khác trong khu vực, và những thay đổi về chính sách, cũng như phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây, thì tôi nghĩ xu hướng sẽ càng ngày càng tiếp tục. Có thể là tôi hơi lạc quan về xu hướng này.

VOA: Nhân nói đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, liệu có phải Hà Nội muốn có một sự cân bằng nào đó trong mối bang giao với Bắc Kinh nên đã hướng sang hợp tác quân sự nhiều hơn với Washington không?

Phó Giáo sư Vũ Tường: Anh có thể nghĩ như vậy, nhưng đối tác chiến lược của Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Hoa Kỳ chỉ là một đối tác bình thường thôi. Tôi tin rằng quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tương lai vẫn gần gũi hơn là giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

VOA: Bản thân ông Đại sứ Michael Michalak thừa nhận rằng hai nước vẫn còn những bất đồng về nhân quyền, nhưng hai bên đang tiếp tục thảo luận để hóa giải các khác biệt. Theo đánh giá của ông, hai bên trong tương lai có thể tìm một giải pháp nào không về bất đồng này?

Phó Giáo sư Vũ Tường: Cũng như nhiều người từng nói, bất đồng này xuất phát từ khác biệt về ý thức hệ và chế độ chính trị. Sự khác biệt đó sẽ kéo dài và vẫn sẽ còn tồn tại trong tương lai. Thành ra, tôi không nghĩ là bất đồng này sẽ biến mất, nhất là trong một sớm, một chiều. Thế nên, nỗ lực của hai bên là cần thiết, còn kết quả tới đâu còn tùy thiện chí của hai bên, và còn tùy thuộc vào tình hình chính trị trong nội bộ hai bên.

VOA: Sắp tới một số giới chức cấp cao Hoa Kỳ sẽ tới Hà Nội, trong đó có Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ông nhận định ra sao về các chuyến công du này?

Phó Giáo sư Vũ Tường: Những chuyến công du này là tốt vì sẽ giúp hai bên hiểu nhau hơn. Những chuyến đi như thế này sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Tôi hy vọng là chính phủ Việt Nam sẽ có đáp ứng tương tự với thiện chí của Hoa Kỳ.