Việt Nam chính thức thành lập thành phố Thủ Đức

Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM, được thành lập trên cơ sở nhập diện tích tự nhiên và dân số từ quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam chiều 9/12 thông qua quyết định thành lập thành phố Thủ Đức, thuộc TPHCM, với 34 phường, theo dự thảo nghị quyết về việc sắp xếp lại các đơn vị cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Theo lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói với báo chí, thành phố Thủ Đức sẽ có diện tích 211,56 km2 và quy mô dân số 1.013.795 người, dựa trên cơ sở nhập diện tích tự nhiên và dân số từ quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức sẽ giáp với các quận 1, 4, 7, 12, Bình Thạnh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, khu vực quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức hiện có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Với tốc độ phát triển cao, các quận này đã đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn của TPHCM, tương đương với 7% GDP của cả nước, chỉ sau Hà Nội.

“Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại, thông qua việc sáp nhập 3 quận thành một đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền đô thị đủ mạnh, phù hợp”, VnExpress dẫn lời ông Tân nói.

Được biết, cùng với việc thành lập thành phố, sẽ có thành lập Toà án Nhân dân (TAND) và Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) thành phố Thủ Đức, giải thể TAND, VKSND Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức.

Theo lời Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình, số vụ án phải xử lý của ba quận lập nên thành phố Thủ Đức là trên 6.000 vụ mỗi năm, nhiều hơn số vụ án ở một số tỉnh. Vì vậy, ông Bình đề xuất thêm 180 cán bộ tòa án cho Thủ Đức.

Các lãnh đạo TPHCM cũng cho biết dự kiến sẽ có 644 “cán bộ dôi dư” sau khi sắp xếp lại và thành lập thành phố Thủ Đức. Số cán bộ này sẽ được giải quyết giảm đi theo “lộ trình 5 năm” nhưng “cố gắng đến năm 2022 sẽ xong”, vẫn theo VnExpress.

Dự thảo nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.