Kể từ ngày 10/3, Việt Nam bắt đầu áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho các gia đình sinh hai con một bề (chỉ hai trai hoặc hai gái) nhằm kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số.
Các chính sách hỗ trợ bao gồm miễn, giảm học phí, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế học sinh, hỗ trợ sữa học đường và một số hình thức khác dành cho các cặp vợ chồng sinh 2 con một bề cam kết không sinh thêm con ở một số địa phương thuộc diện “100% thôn đã có nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong hương ước, quy ước được đề xuất Ủy ban Nhân dân cấp huyện khen thưởng một lần kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật”, theo Thông tư 01/2021/TT-BYT của Bộ Y tế Việt Nam.
Với chính sách khuyến khích sinh “chỉ hai con là đủ” trong nhiều thập niên, Việt Nam hiện đang đối diện với nguy cơ mất cân bằng giới tính rất cao trong thời gian tới, khiến giới hữu trách lo lắng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dân số và nhu cầu phát triển kinh tế.
Theo một nghiên cứu chuyên sâu trong cuộc tổng điều tra dân số vừa được công bố vào tháng 12 năm ngoái, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 ở Việt Nam là 111,5 bé trai/100 bé gái. Đây là mức mất cân bằng giới tính rất cao so với mức sinh học tự nhiên là 104 – 106 bé trai/100 bé gái. Tình trạng này dẫn đến số lượng trẻ em gái ở Việt Nam bị thiếu hụt 6,2% trong năm 2019. Nếu tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao tiếp tục diễn ra, Việt Nam được dự đoán vào năm 2034 sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 tuổi, và con số này sẽ tăng lên 1,8 triệu người vào năm 2059.
Tình trạng mất cân bằng giới tính xảy ra ở mọi tầng lớp và ở các khu vực, nhưng cao nhất là ở Đồng bằng sông Hồng với mức tương ứng là 115,2 bé trai/100 bé gái.
Vấn đề mất cân bằng giới tính lần đầu tiên được nêu ra từ năm 2004 và tình trạng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 5 năm ngoái đã phải ký Quyết định 588 đề nghị thí điểm các biện pháp hỗ trợ như giảm thuế thu nhập cá nhân, ưu tiên mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên cho con vào các trường công lập... cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, kết hôn trước 30 tuổi và phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi.
Dân số Việt Nam tại thời điểm diễn ra tổng điều tra dân số là 96,2 triệu người, cao thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines, và cao thứ 15 trên toàn cầu.
Việt Nam cũng được cho là quốc gia có dân số già đi với tốc độ quá nhanh. Tính đến năm 2019, Việt Nam có 11,4 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 12% dân số.
Ngoài các hình thức khen thưởng cá nhân như khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã có đủ 2 con và tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai dài hạn, Thông tư mới của Bộ Y tế còn đề xuất khen cho các thôn, xã có thành tích nhiều năm liên tục không có người sinh con thứ 3 hoặc có tỷ lệ hơn 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con.