Việt Nam mới bày tỏ mong muốn phối hợp với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm đối phó và ngăn chặn sự lây lan của chủng virus Corona mới (nCoV).
Chính phủ Việt Nam cho biết rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ mong muốn như vậy trong cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 4/2.
Ông Widodo được cổng thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời “đánh giá cao chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp nhanh chóng, đồng bộ để ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh lan rộng” đồng thời bày tỏ “tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và với năng lực ngành y tế đã được minh chứng, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng ngăn chặn thành công dịch bệnh này”.
Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, trang Facebook chính thức của ông Widodo ngày 4/2 không đề cập tới cuộc điện đàm cũng như đề xuất của Thủ tướng Phúc, nhưng có đề cập tới việc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế trên toàn cầu vì virus Corona, cũng như việc Indonesia tổ chức sơ tán hơn 230 công dân nước này khỏi thành phố Vũ Hán.
XEM THÊM: Mỹ và Anh ra khuyến cáo về virus Corona ở Việt NamCổng thông tin chính phủ Việt Nam cho biết, trong cuộc điện đàm với ông Widodo, Thủ tướng Phúc đã “bày tỏ đánh giá cao Indonesia là một trong những nước đã triển khai nhanh các biện pháp ngăn ngừa bệnh dịch, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm virus nCoV”.
Tin cho hay, lãnh đạo Việt Nam và Indonesia cho rằng “các nước thành viên của ASEAN cần chủ động phối hợp, điều phối hành động của mỗi quốc gia theo đúng tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là chủ đề của ASEAN năm nay, nhằm tìm ra các giải pháp chung, chia sẻ trách nhiệm đối phó với dịch bệnh chung của khu vực”.
“Các nước ASEAN đã có kinh nghiệm quý trong phối hợp đối phó với dịch SARS năm 2003, do đó cần tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực đối phó với dịch nCoV lần này”, thông báo của chính phủ Việt Nam có đoạn.
Việt Nam hiện đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN cũng như là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo ông Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh “đã gửi thư đến các nước ASEAN” để nêu đề xuất trên.
Trong thư của ông Minh, tin cho hay, Việt Nam “đã đề xuất ASEAN thành lập Nhóm công tác chung cấp Bộ trưởng với sự tham gia của các cơ quan về vận tải, xuất nhập cảnh, kiểm soát biên giới, lãnh sự... và sẽ sớm tổ chức họp trực tuyến để kịp thời chia sẻ thông tin và điều phối hành động của các nước thành viên ASEAN, thể hiện tinh thần đoàn kết của ASEAN”.
Philippines, một thành viên của ASEAN, là nơi mới đây ghi nhận một trường hợp tử vong đầu tiên vì virus Corona ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo được cổng thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời cho biết “hoàn toàn tán thành và đánh giá cao các đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc”.
Ông Widodo và ông Phúc được cho là đã nhất trí “tăng cường sự phối hợp không chỉ trong ASEAN mà còn giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó có hỗ trợ lãnh sự cho công dân các nước ASEAN bị tác động bởi dịch bệnh, nhất là đối với những người còn kẹt ở vùng dịch”.
XEM THÊM: Canada đưa máy bay tới Việt Nam, sơ tán công dân khỏi tâm dịch Vũ HánTới ngày 4/2, tin cho hay, Việt Nam và Campuchia vẫn còn công dân ở tâm dịch Vũ Hán, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại trên toàn thế giới về virus đã làm hàng trăm người chết.
Thủ tướng Hun Sen từng thông báo rằng Campuchia sẽ không sơ tán sinh viên và các nhà ngoại giao khỏi Trung Quốc, dẫn tới những lời chỉ trích rằng ông Hun Sen không hành động đủ mạnh để giúp công dân, theo Reuters.
Trong khi đó, Cục Lãnh sự Việt Nam hôm 26/1 cho biết rằng “17 lưu học sinh Việt Nam và người nhà đang ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) đều trong tình trạng sức khỏe và tâm lý ổn định”.
Tin cho hay, Đại Sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc “đã hướng dẫn các biện pháp xử lý ứng phó với dịch bệnh, đồng thời liên hệ với cơ quan chức năng sở tại để gia hạn visa trong trường hợp quá hạn với 1 công dân Việt Nam, đi du lịch bị mắc kẹt tại Hồ Bắc”.
Hôm 6/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói tại một cuộc họp báo rằng Việt Nam “sẵn sàng đưa công dân ở vùng có dịch về nước khi cần thiết”.
Bà Hằng khẳng định rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam “đang nỗ lực cao nhất để thực hiện việc này trong thời gian sớm nhất".