Các tàu cá Việt Nam thường đánh bắt bên ngoài vùng biển của họ vốn đôi khi bị giới chức Malaysia và Philippines phát hiện. Nhưng bây giờ các cơ quan chính quyền Việt Nam đang được huy động để thực hiện một kế hoạch dài hạn mà các nhà phân tích cho rằng sẽ giúp tăng cường sử dụng đội tàu cá của họ để khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông mà họ đang có tranh chấp với năm quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Các kế hoạch tăng cường đánh bắt trên biển cho đến năm 2030 được đưa ra sau nghị quyết được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua hồi năm ngoái. Nghị quyết kêu gọi ‘phát triển bền vững nền kinh tế hàng hải’ và tiến tới việc trở thành ‘cường quốc biển’, trang mạng VnExpress đưa tin.
Ý định của Việt Nam đối với Biển Đông đã được biết đến trong nhóm các nhà lãnh đạo 10 quốc gia đông nam Á hồi tháng này tại một hội nghị thượng đỉnh thường niên. Việt Nam sẽ là chủtịch của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tức Asean, vào năm 2020 và có nhiều tiếng nói hơn đối với các quyết định của mình.
Một phần của chiến lược là phát triển một đội tàu đánh cá ‘rất mạnh’, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết. Nếu bị chỉ trích, giới chức Việt Nam có thể nói đội tàu đó là ‘tàu dân sự’.
“Tôi có thể nói rằng đây là một bước đi chính trị thực sự thông minh bởi vì, cuối cùng, bạn đang sử dụng ngư dân để khẳng định chủ quyền của mình để chứng tỏ rằng ‘Tôi luôn có mặt ở đó, họ không phải là quân lính’ vì tôi không nghĩ họ sẽ mặc quân phục khi đánh bắt trên biển,” ông Collin Koh, chuyên gia về an ninh biển tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nhận định.
Đội tàu hùng mạnh hơn
Quá trình này đã được khởi động từ một đạo luật được thông qua 10 năm trước. Đạo luật này đề xuất lực lượng dân quân tự vệ hộ tống các đội tàu cá Việt Nam. Năm năm sau, Việt Nam ban hành nghị định nhằm giúp ngư dân đóng những con tàu lớn để phục vụ mục đích đánh bắt xa bờ.
Một nghiên cứu của Trường S. Rajaratnam về Nghiên cứu Quốc tế tại Singapore cho biết các ngân hàng Việt Nam đã cho ngư dân vay 176 triệu đô la để nâng cấp khoảng 400 tàu cá. Hơn 10.000 ngư dân từ một tỉnh đã được cung cấp ống nhòm hồng ngoại và súng.
Cho đến năm 2030, chính phủ có thể sẽ thành lập một cơ quan để thực hiện kế hoạch này và nhờ các chuyên gia giúp đỡ, ông Trung nói. Hiện tại, ông nói, các quan chức thiếu sự phối hợp và ‘lộ trình cụ thể’. Một lựa chọn là trợ cấp xăng dầu cho các tàu cá, ông nói thêm, cũng như xây dựng lực lượng cảnh sát biển mạnh hơn.
Nuôi hải sản và đánh bắt cá cũng như các ngành công nghiệp dọc bờ biển dài 3.500 km của Việt Nam sẽ có ‘đột phá’ vào năm 2030, tạp chí Diễn đàn Pháp luật & Pháp lý Việt Nam đưa tin hồi tháng 12 năm 2018. “Các hoạt động đánh bắt sẽ được tổ chức lại để giảm đánh bắt gần bờ, tăng cường đánh bắt xa bờ và ngoài biển lớn và các dịch vụ hậu cần đánh bắt sẽ được tổ chức tốt,” tạp chí này viết.
Tin tức trên truyền thông nhà nước về kế hoạch 2030 không đề cập gì về lực lượng ‘dân quân’ tàu cá, nhưng các học giả nói rằng nó sẽ tạo ra điều đó. Việc Việt Nam sử dụng đội tàu cá để bảo vệ các yêu sách hàng hải là làm theo cách của Trung Quốc, họ nói.
“Tôi nghĩ rằng phần lớn chiến lược hàng hải của Việt Nam lấy một số ý tưởng từ những gì mà Chính phủ Trung Quốc đang làm khi họ đang dùng quá nhiều sức mạnh, khi họ triển khai các tàu cá về phía nam,” ông Trung nói.
‘Dân quân biển’ của Trung Quốc đã hoạt động ít nhất từ năm 1950, các tác giả Andrew Erickson và Conor Kennedy đã viết trong một nghiên cứu hồi tháng 2 năm 2019. Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc đã ‘sớm sử dụng’ các tàu dân sự để hoạt động trên biển, nghiên cứu cho biết.
“Việt Nam muốn đẩy lùi điều đó khi mà cácngư dân của họ bị xua đuổi khỏi ngư trường truyền thống của họ ở Biển Đông,” ông Trung nói.
Trong vòng 5 năm qua, các tàu khảo sát của Trung Quốc và một giàn khoan dầu cũng đã xuất hiện tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan cũng đòi chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần của vùng biển rộng hơn 3,5 triệu km vuông, nơi có nguồn lợi thủy sản và năng lượng dồi dào.
Nguy cơ bị bắt giữ
Một số nhà khai thác tàu cá Việt Nam lo ngại kế hoạch năm 2030 sẽ khiến họ có nguy cơ bị tàu nước ngoài đâm trên biển, ông Trung nói.
Những tàu cá Việt Nam ngược xuôi trên Biển Sulu do Malaysia và Philippines kiểm soát cũng có nguy cơ bị bắt giữ, ông Oh Ei Sun, chuyên viên cao cấp của Viện các vấn đề Quốc tế Singapore, nhận định. Cơ quan Thực thi Luật pháp trên Biển của Malaysia đã bắt giữ một loạt các tàu cá Việt Nam trong năm qua, bao gồm 123 tàu vào tháng Năm.
“Có những ngư dân Việt Nam đánh bắt trên khắp vùng biển Sulu và xâm nhập vùng biển của Malaysia và Philippines..., do đó đây sẽ chỉ là chính thức hóa và có lẽ là mở rộng những gì họ đang làm,” ông nói.