Việt Nam và khả năng ‘chọn phe’ trên Biển Đông

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo hai quốc gia đang có nhiều bất đồng về vấn đề Biển Đông và trong các lĩnh vực khác.

Chính sách quyết đoán khẳng định quyền lực và chủ quyền của Trung Quốc trong những ngày gần đây dường như đang tạo thêm nhiều đối thủ cho Bắc Kinh, nhưng với quốc gia láng giềng có chủ quyền tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông là Việt Nam, một số chuyên gia nhận định với VOA rằng Hà Nội khó có thể ở trong thế đối đầu với Bắc Kinh, dù rằng có vẻ như đang “ngả” về phía Mỹ với tiếng nói mạnh mẽ hơn ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ.

Với vai trò là chủ tịch ASEAN năm nay, Việt Nam vừa cho biết đã dẫn đầu các nước ASEAN lên tiếng “cảm ơn và đánh gía cao” sự ủng hộ của Mỹ sau khi Uỷ ban Quốc hội Hoa Kỳ bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, một động thái mà theo TS. Tạ Văn Tài, giáo sư Luật của Đại học Harvard, là thúc đẩy bày tỏ mạnh hơn quan điểm của khối các quốc gia Đông Nam Á sau hàng loạt các tuyên bố chính thức của Mỹ.

“Việt Nam, với tư cách chủ tịch ASEAN năm nay, cũng theo tiếng nói của ASEAN nói chung và dâng cao quan điểm của ASEAN, nghĩa là lần đầu tiên Việt Nam dám nói mạnh hơn với Trung Quốc”, GS. Tạ Văn Tài nhận xét với VOA.

Theo Giáo sư của Đại học Harvard, đây là điểm mạnh duy nhất mà Việt Nam thể hiện cho tới nay đối với Trung Quốc, nhưng vẫn chưa đi đến hành động quyết đoán hơn nữa là khởi kiện Bắc Kinh về tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa.

Trong khi đó, Trung Quốc, thông qua tờ Hoàn Cầu Thời Báo, tiếp tục đưa ra “cảnh báo” Hà Nội về việc “chọn phe” nhằm chống lại Bắc Kinh.

“Nếu sự can dự của Mỹ vào Biển Đông làm gia tăng căng thẳng khu vực hoặc phá vỡ cân bằng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ, thì sự phát triển của Việt Nam sẽ bị gián đoạn. Tổn thất của Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích nhận được”, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói trong bài viết phân tích về mối quan hệ Mỹ - Trung sau khi Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố gọi yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông là “phi pháp”.

Nhận định về vấn đề này, TS. Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore nói với VOA rằng: “Trung Quốc từ khi trỗi dậy thì đã đặt ra vấn đề là cảnh báo các nước nhỏ xung quanh là đừng có ngả theo một nước nào đó chống lại Trung Quốc”.

Tuy nhiên, theo ông,“Một khi lợi ích quốc gia của một nước bị xâm hại trong khi nó nhỏ quá, chưa có cách nào để chống lại được thì buộc lòng nó phải đi nhờ sự giúp đỡ của những nước khác, đặc biệt là các nước lớn”.

Vì vậy, TS. Hà Hoàng Hợp nói kể cả khi Việt Nam với chính sách quốc phòng “4 không” hiện nay, trong đó có nguyên tắc “không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia”, thì trong trường hợp xảy ra những tình huống nguy hại đến lợi ích quốc gia, Việt Nam chắc chắn sẽ bỏ các chính sách trên để tìm sự trợ giúp hay “đồng minh” để chống lại.

“Cho nên, nếu Trung Quốc nói rằng Việt Nam ngả theo Mỹ hay Mỹ bỏ vai trò trung gian đi thì không phải. Mỹ vẫn đứng ở giữa. Cho nên Mỹ không nói gì đến chuyện ở chỗ khác, không nói đến Hoàng Sa, mà Mỹ dựa vào đúng một chuyện là Công ước Luật biển và vấn đề thềm lục địa”, TS. Hà Hoàng Hợp nói và cho rằng đây chính là điểm chung khiến cho Việt Nam và Mỹ thoạt nhìn có vẻ như đang “phe” với nhau.

Còn GS. Tạ Văn Tài nhận định rằng lập trường của Hoa Kỳ vẫn không thay đổi từ trước tới nay. Mỹ vẫn không can thiệp vào vấn đề quốc gia nào nắm chủ quyền ở đảo, đá nào trong những khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, tuyên bố “cụ thể hơn” lần này của Bộ Ngoại giao, Quốc hội và các quan chức Mỹ có lợi cho Việt Nam về nhiều mặt, theo cả hai nhà nghiên cứu.

“Mỹ đã lên tiếng ủng hộ một cách cụ thể, đó là lợi ích chính trị”, TS. Hà Hoàng Hợp nói. “Còn lợi ích chiến lược là có một sự cam kết ngay trong tuyên bố của Mỹ, là họ đảm bảo rằng thế kỷ 21 này chính sách bành trướng, bá quyền theo lối ‘săn mồi ăn thịt’ (predatory) là không có chỗ đứng. Người Mỹ sẽ không để người Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường này”.

Về mặt ngoại giao, TS. Hà Hoàng Hợp cho rằng tuyên bố của Mỹ thể hiện một “bước tiến lớn” của Hoa Kỳ trong việc đưa ra hành động cụ thể ủng hộ tiến trình giải quyết các tranh chấp để duy trì hoà bình và quyền tự do đi lại trên Biển Đông.

Trong khi đó, GS. Tạ Văn Tài nói rằng về mặt quân sự, Việt Nam không bao giờ có thể trở thành đối thủ của Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể “đấu” với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.

“Tuy Việt Nam có hải quân mạnh thứ ba, sau Mỹ và Trung Quốc, tại Biển Đông, nhưng không bao giờ là đối thủ của Trung Quốc khi đứng một mình được, chỉ có thể có can đảm hơn là vì Mỹ đã có lập trường như vậy, Việt Nam có khả năng quân sự như vậy và tinh thần chống Trung Quốc của dân chúng như vậy thì Việt Nam ‘đừng sợ’”.

Theo ông, Hà Nội “không việc gì phải do dự để nói những tiếng nói mạnh mẽ nhất” vào lúc tất cả các nước ASEAN (trừ Campuchia và Lào) đang đồng loạt chống Trung Quốc, với sự ủng hộ của cả hành pháp lẫn lưỡng đảng ở Quốc hội Mỹ.

“Thành ra Việt Nam nên nói mạnh hơn nữa”, GS. Tạ Văn Tài nói và thêm rằng dù Việt Nam có hành động mạnh hơn nữa thì cũng khó có khả năng xảy ra chiến tranh nên “không việc gì phải sợ”.