Việt Nam nói rằng báo cáo nhân quyền năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “tuy đã ghi nhận một số thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam.”
Ngày 13/3/2017, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu phản ứng chính thức của chính phủ Việt Nam như trên về báo cáo ghi nhận tình hình nhân quyền Việt Nam 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Người phát ngôn Lê Hải Bình còn nói thêm rằng “Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng đảm bảo và cải thiện các quyền cơ bản của người dân thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.”
Ông Lê Hải Bình nói: “Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với các nước, trong đó có Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt. Đến nay, Việt Nam – Hoa Kỳ đã tiến hành 20 vòng đối thoại song phương thường niên về quyền con người.”
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhận định rằng phản ứng của Việt Nam năm nay cũng gần tương tự như năm ngoái, “vẫn không thay đổi về mức độ, tức là: ‘thiếu khách quan và không phản ánh tình hình thực tế.’”
Ngày 3/3, Bản phúc trình nhân quyền năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận Việt Nam là một nhà nước “độc tài” và “tiếp tục đàn áp nhân quyền” dưới nhiều hình thức.
Nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết nhận định của ông về tình hình nhân quyền Việt Nam:
“Tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ, tồi tệ về nhiều mặt. Trong đó có gia tăng đàn áp phong trào dân chủ, đàn áp tự do tôn giáo. Trong bối cảnh giữa Mỹ và Việt Nam vẫn chưa có xác lập cơ chế đối thoại nhân quyền rõ rệt và chưa có cải tiến nhiều về cơ chế này thì tình hình đàn áp gia tăng bắt bớ ở Việt Nam, theo tôi nghĩ sẽ càng ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với phong trào biểu tình Formosa ở Việt Nam.”
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bị báo chí quốc tế chỉ trích là xem thường việc công bố bản báo cáo thường niên của bộ Ngoại Giao Mỹ về tình hình nhân quyền trên thế giới, vì bản báo cáo đã được âm thầm công bố, mà không có bất kỳ một bài diễn văn của ngoại trưởng, hay họp báo của trợ lý phụ trách nhân quyền.
Nhận định về vấn đề nhân quyền trong mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong giao đoạn hiện nay, nhà báo Phạm Chí Dũng nói:
“Tất nhiên là chính quyền của ông Trump không quan tâm đến vấn đề nhân quyền như chính quyền Obama trước đây. Ngay cả chính quyền Obama trước đây vào thời gian cuối cũng giảm sự quan tâm về vấn đề nhân quyền. Tôi cho rằng chính quyền Trump thiếu quan tâm về vấn đề nhân quyền thì đó là một biểu hiện bình thường, vì ông Trump xuất thân từ ngành bất động sản, chứ không phải ngành chính trị.”
Trước đó vào ngày 1/3, sáu dân biểu Hoa Kỳ đã cùng ký vào bức thư gửi cho bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, thúc giục Hoa Kỳ gây sức ép buộc Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền. Bức thư viết: “Trong hơn 4 thập niên qua kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc và gần 22 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, Việt Nam vẫn là một nước do một đảng cộng sản lãnh đạo và gần như không chấp nhận những ý kiến trái chiều.”
Các dân biểu ký tên gồm Alan Lowenthal, Zoe Lofgren, Christopher Smith, Gerald Connolly, Ro Khanna, và Luis Correa yêu cầu ngoại trưởng Rex Tillerson phải thúc giục Việt Nam tôn trọng các quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, biểu đạt ý kiến và tự do lập hội. Ngoài ra, các dân biểu cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam phải ngay lập tức thả các tù nhân lương tâm, mà theo họ “đây là những bước cần thiết để Việt Nam có thể tìm kiếm mối quan hệ kinh tế và chiến lược tốt hơn với Hoa Kỳ.”
Nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết rằng ông hy vọng Nhóm các dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ ‘Việt Nam Caucus’ vẫn còn quan tâm đến nhân quyền Việt Nam:
“Thái độ của nhóm quan tâm đến nhân quyền Việt Nam, gọi là nhóm Việt Nam Caucus của các nghị sĩ như là Zoe Lofgren, Christopher Smith vẫn giữ nguyên và đang gia tăng, đặc biệt sau khi luật nhân quyền Magnitsky được Tổng thống Obama thông qua vào tháng 12/2016.”
Theo trang Mạch Sống của tổ chức BPSOS, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chưa thể hoàn tất việc soạn thể lệ và thủ tục cho việc thực hiện Luật Magnitsky Toàn Cầu trong tháng 4 này. Theo Luật Magnitsky Toàn Cầu, Bộ Ngoại Giao phải nộp bản phúc trình đầu tiên cho Quốc Hội ngày 30 tháng 4, 2017. Sau đó định kỳ hàng năm vào ngày 10 tháng 12, tức Ngày Quốc Tế Nhân Quyền sẽ có bản phúc trình các cá nhân vi phạm thường niên, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, BPSOS cho biết tổ chức này sẽ vận động Quốc Hội thực hiện buổi điều trần vào cuối tháng 6/2017 để đại diện của Bộ Ngoại Giao tường trình về việc thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu đối với Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, hôm 10/3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có buổi tiếp và làm việc chung với các đại sứ, đại biện các nước ASEAN tại thủ đô Washington, trong đó có Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh.
Báo chí Việt Nam cho biết ông Phạm Quang Vinh chia sẻ ý kiến của các đại diện ASEAN về quan hệ ASEAN - Mỹ, đồng thời thông báo những định hướng, ưu tiên của năm APEC 2017 do Việt Nam chủ trì, trong đó có Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11-2017.
Khi hỏi rằng liệu trong tương lai Hoa Kỳ sẽ còn quan tâm đến tình hình nhân quyền nữa hay không, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết dường như Hoa Kỳ đã chuyển giao vai trò gây áp lực nhân quyền lên chính phủ Việt Nam sang Liên Minh Châu Âu:
“Thật ra vấn đề đàm phán đối thoại nhân quyền tôi cho là đã có một sự chuyển dịch từ vai trò của Hoa Kỳ sang vai trò của Liên Minh Châu Âu, Nghị viện Châu Âu từ giữa năm 2016 rồi. Cho nên sắp tới có lẽ vai trò đàm phán về nhân quyền đối với Việt Nam sẽ thuộc về châu Âu nhiều hơn là của Mỹ. Tuy nhiên trong năm 2017, Mỹ vẫn có thể giữa vai trò tương tác về nhân quyền đối với Việt Nam, và đòi hỏi Việt Nam cải thiện một số vấn đề về nhân quyền, và thậm chí có thể mở lại đối thoại nhân quyền giữa hai quốc gia, mà cuối năm 2016 đã không thực hiện được.”
Cuối tháng Hai vừa qua, Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu (DROI) đã có chuyến công tác và đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam. Tiểu ban này đã có các gặp với các nhà hoạt động nhân quyền và ra báo cáo rằng: “các nhà hoạt động nhân quyền đang hoạt động trong môi trường đầy thách thức, phải đối mặt với sự sách nhiễu, bắt bớ và giam cầm. Trong vấn đề này, chúng tôi nhắc lại cam kết của mình là tiếp tục hỗ trợ hoạt động của họ và chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt sự đàn áp đối với họ.”
Your browser doesn’t support HTML5