Việt Nam bắt nghi phạm bị truy nã về tội ‘hối lộ’ giao cho Trung Quốc

Du Rong Ming bị Việt Nam bắt và bàn giao cho Trung Quốc vào ngày 25/6/2018.

Một người đàn ông quốc tịch Trung Quốc bị truy nã về tội “hối lộ” đã bị chặn lại tại phi trường quốc tế Đà Nẵng trong lúc làm thủ tục nhập cảnh tại Việt Nam. Người này sau đó đã được công an Việt Nam “bàn giao” cho nhà chức trách Trung Quốc hôm 25/6.

Truyền thông trong nước cho hay trước khi Du Rong Ming, 46 tuổi, nhập cảnh vào Việt Nam, Cục Đối ngoại-Bộ Công an Việt Nam đã nhận được công hàm của Văn phòng sĩ quan liên lạc cảnh sát Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu xác minh và truy bắt Du Rong Ming, người đang bị công an Trung Quốc truy nã.

Cáo buộc của nhà chức trách Trung Quốc nói Du Rong Ming đã “hối lộ số tiền lớn” cho các quan chức nước này khi tham gia giao dịch trái phiếu nhằm mục đích tư lợi, nhưng không cho biết cụ thể về số tiền hối lộ.

Trước khi đến Việt Nam vào sáng sớm 23/6, Du Rong Ming đã trốn sang Mỹ, Thái Lan và Malaysia.

Báo cáo gần đây của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung Quốc cho biết tính đến cuối tháng 4, nước này đã bắt được 4.141 nghi phạm bị truy nã trốn ra nước ngoài, trong đó có 825 quan chức tham nhũng và 52 người trong diện “truy nã đỏ” của Interpol, thu lại số tiền khoảng 1,56 tỉ USD, theo Tân Hoa Xã.

Năm 2015, Trung Quốc tung ra chiến dịch mang tên “Lưới trời” trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm truy bắt các nghi phạm liên quan đến các vụ án tham nhũng đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Hiện tượng quan tham ôm tiền trốn ra nước ngoài đã trở nên phổ biến tại một số quốc gia Cộng sản, trong đó có Việt Nam, nổi bật nhất gần đây là vụ Trịnh Xuân Thanh và Vũ “nhôm”.

“Vì sự tương đồng của hai thể chế ở Việt Nam và Trung Quốc nên người ta thấy những việc làm như thế cũng tương tự nhau,” Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, một chuyên gia về chính sách công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét với VOA.

Để đối phó với các nghi phạm bỏ trốn này, ngoài chiến dịch “Lưới trời” giăng lưới trên diện rộng, Trung Quốc còn có chiến dịch “Săn cáo” tập trung vào việc các mục tiêu quan chức cụ thể, đồng thời lập các website thu thập thông tin tố cáo và ký các hiệp ước dẫn độ với các nước.

Riêng tại Việt Nam, khi chưa có hiệp định dẫn độ với nhiều quốc gia điểm đến của nghi phạm tham nhũng, TS. Phạm Quý Thọ cho rằng việc thực hiện yêu cầu dẫn độ sẽ “tùy thuộc vào quan hệ, ngoại giao và thể chế” giữa Việt Nam và các nước.