Từ ‘thông tin tình báo’…
Vào tháng 8/2016, hãng tin Anh Reuters đã đẩy thể chế đối ngoại của Việt Nam vào thế không hề êm dịu khi dẫn từ một “thông tin tình báo”, cho thấy Hà Nội đã vận chuyển các giàn phóng tên lửa từ đất liền tới 5 căn cứ ở quần đảo Trường Sa trong những tháng gần đây, một động thái có thể gây căng thẳng với Bắc Kinh.
Sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) vào tháng 6/2016 bác bỏ “đường lưỡi bò 9 đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông, những tờ báo thuộc phái “Diều hâu” của Trung Quốc như Hoàn cầu Thời Báo một lần nữa như muốn phát điên, nhưng lần này không sẵn sàng lao vào công kích PCA, mà hằn học đe dọa Việt Nam đã “sai lầm khủng khiếp” khi đưa tên lửa ra Trường Sa.
Vậy có đúng là Việt Nam đã “sai lầm khủng khiếp” vì đưa tên lửa ra quần đảo Trường Sa? Hay đây chỉ là một tin tức thiếu căn cứ hoặc đậm cảm tính?
Yếu tố đầu tiên đáng tin cậy là trên Reuters, bài phóng sự đặc biệt của phóng viên Greg Torode đã dẫn nguồn tin từ giới chức phương Tây, gồm các nhà ngoại giao và quan chức quân đội (không biết của nước nào) về những giàn phóng của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, không có thông tin cho biết Reuters từng bị sai sót hoặc bị “hố” khi đưa những tin tức quan trọng về chính trị và quân sự quốc tế.
Tuy nhiên vẫn có những chuyên gia trên thế giới tỏ ra hoài nghi về độ xác thực của tin tức nóng rẫy nói trên. Ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington nói ông không thể xác nhận mà cũng không phủ nhận tin của Reuters nói rằng Việt Nam đã triển khai giàn phóng tên lửa hoặc các hệ thống tên lửa khác ra Trường Sa. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài VOA-Việt ngữ hôm 12/8, ông Poling nói:
“Tôi không thể xác nhận bất cứ điều gì về các giàn phóng tên lửa của Việt Nam. Tất cả những gì mà chúng ta có là một bản tin duy nhất của Reuters dẫn lời các giới chức không cho biết danh tính, nói rằng Việt Nam đã chuyển tên lửa ra đó. Chúng tôi không có hình ảnh vệ tinh nào khả dĩ có thể xác nhận thông tin ấy. Và dù cho tin này có thực đi chăng nữa, nếu các giàn phóng được che kín thì lẽ dĩ nhiên là chúng tôi không thể xác nhận bằng hình ảnh vệ tinh là có các giàn phóng tên lửa ở đó.”
Nhưng chuyên gia này lại nêu ra một số câu hỏi cùng cách lật ngược vấn đề đáng chú ý: “Tôi chỉ có thể nói Việt Nam không chối bỏ là họ đã triển khai các giàn phóng tên lửa hoặc các hệ thống tên lửa khác tới Trường Sa. Họ chỉ nói rằng bản tin của Reuters không chính xác. Liệu ý của họ là Reuters không chính xác bởi vì bản tin tường thuật sai về loại tên lửa được sử dụng, hoặc vì các số liệu của Reuters không chính xác, nhưng điều đó không thay đổi sự thực là, có leo thang quân sự trong khu vực bởi vì Trung Quốc đã xây đủ các hangar (tức các nhà chứa máy bay) cho các phi đoàn của họ trên 3 đảo. Thì cũng dễ hiểu thôi nếu các nước khác cũng đòi chủ quyền Biển Đông cảm thấy họ cần phải tăng cường khả năng phòng thủ của họ.”
Vào đúng ngày 17/2 năm 2016, như một cách kỷ niệm 37 năm ngày khởi động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ở biên giới phía Bắc, Trung Quốc đã bố trí phi pháp 8 tên lửa đất đối không HQ-9 và 1 hệ thống radar trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những hình ảnh vệ tinh do hãng ImageSat International (ISI) chụp đã chứng minh rất rõ vụ việc này.
Chuyên gia Poling đã nói lời thanh minh thay cho Việt Nam. Quả thực, nếu hồi năm 2015 phía Trung Quốc đã đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm, có lẽ gì mà Việt Nam không thể làm điều tương tự ở phía ngược lại?
Your browser doesn’t support HTML5
Đến khẩu khí ‘lạ’ của tướng Vịnh
Mặc dù chưa thể khẳng định được hoặc rất khó khẳng định về sự hiện diện của những giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa, nhưng lại có một cơ sở khác cho thấy độ xác tín cao hơn về sự hiện diện này: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, nói với Reuters tại Singapore hồi tháng Sáu rằng Hà Nội không có giàn phóng tên lửa hay vũ khí như thế tại Trường Sa nhưng bảo lưu quyền thực hiện bất kỳ biện pháp nào.
"Di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất kỳ khu vực vào bất kỳ lúc nào trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi là quyền hợp pháp của chúng tôi," ông Vịnh gián tiếp xác nhận.
Có thể giới quan sát quốc tế không mấy biết đến cái tên Nguyễn Chí Vịnh. Nhưng nhiều người ở Việt Nam lại đã hiểu rõ thái độ lấp lửng cố hữu dài của viên tướng 3 sao này. Dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, tướng Vịnh còn bị một số dư luận cho rằng “có yếu tố thân Trung Quốc”. Biểu hiện rất dễ nhận ra của Nguyễn Chí Vịnh là trong hầu hết những cuộc “đối ngoại” với giới quân sự và các lãnh đạo Bắc Kinh, ông Vịnh luôn sử dụng một loại văn phong mô tả bầu không khí “Bốn tốt” lẫn “Mười sáu chữ vàng”, thậm chí cả vào lúc tàu hải cảnh Trung Quốc công khai tấn công các tàu cá và giết hại ngư dân Việt Nam.
Tuy nhiên trong cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters tại Singapore, "Di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất kỳ khu vực vào bất kỳ lúc nào trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi là quyền hợp pháp của chúng tôi" là một khẩu khí “lạ” của tướng Vịnh. Nghĩa là trước đây viên tướng luôn rụt cổ về quan điểm đối ngoại chưa từng có những ngôn từ như thế.
Chính khẩu khí mới nhất của tướng Vịnh đã củng cố thêm cơ sở về sự hiện diện, hoặc ít ra trên phương diện nghi binh chiến thuật, của những giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa.
Và Việt Nam sẽ còn phải làm gì?
Your browser doesn’t support HTML5
Có ‘phục hồi nhân phẩm’?
Nếu đã công khai đặt tên lửa ở đảo Phú Lâm để từ đó khống chế một phần Biển Đông, Trung Quốc sẽ chẳng mấy ngần ngại chọn Việt Nam như một mắt xích yếu nhất và hèn nhất trong khu vực những quốc gia Đông Nam Á để tạo nên một cuộc xung đột quân sự mang tính răn đe đối với Mỹ và những nước còn lại, đặc biệt sau phán quyết PCA quá bất lợi cho tác giả của “đường lưỡi bò 9 đoạn”.
Nghịch lý trớ trêu và cay đắng là dù được xem là quốc gia có lực lượng quân sự hùng hậu nhất Đông Nam Á, nhưng Việt Nam còn lâu mới vươn kịp thế đứng thẳng của nhà nước Philippines khi dám kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế và đã thắng kiện.
Giới lãnh đạo Việt Nam lúc nào cũng co rúm trước Trung Quốc như thỏ trước sói. Cay đắng không kém là sau phán quyết PCA, cho đến nay Việt Nam vẫn giữ thái độ im lặng đậm nét nhược tiểu cùng tư thế đánh võng không ngừng nghỉ giữa Trung Quốc, Mỹ và cả Nga. Phụ họa cho tâm thế á khẩu ấy là một luận điểm không chê vào đâu được của giới ngoại giao và tuyên giáo Việt: “Tọa sơn quan hổ đấu” và “Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi”.
Chuỗi logic của tư thế ẩn nấp tối đa như thế đã dẫn đến hậu quả là Hà Nội cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam bị một vố đau điếng: ai đó đã bật mí về những giàn phóng tên lửa mà Việt Nam đang giấu giếm cho Reuters và buộc Việt Nam phải lộ diện trước cú phủ đầu hờm sẵn của Trung Quốc.
Bây giờ thì chẳng còn trốn đi đâu được!
Ngay bây giờ, thái độ hèn nhược của Việt Nam chỉ có cơ may “phục hồi nhân phẩm” nếu chính thể này dám đứng lên và công khai xác nhận hành động đưa tên lửa ra Trường Sa, nếu quả có việc ấy.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.