Các đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam đang tụ hội về Hà Nội để chọn những lãnh đạo cao cấp nhất và đề ra đường hướng cho 5 năm tới.
Chừng 1.400 đại biểu đã đến thủ đô để tham gia đại hội đảng lần thứ 11 kéo dài nguyên một tuần lễ, khởi sự vào thứ Tư. Họ sẽ chọn một ủy ban để bổ nhiệm 15 thành viên chính trị bộ, tức là cơ chế nhiều quyền lực nhất Việt Nam.
Các đảng viên cũng sẽ quyết định xem Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có được tái bổ nhiệm vào chính trị bộ hay không, nếu chuyện diễn tiến như vậy, ông Dũng sẽ được bảo đảm trong chức vụ thủ tướng nhiệm kỳ thứ nhì.
Theo dự kiến vấn đề kinh tế sẽ được đặt ưu tiên cao trên nghị trình, trong lúc các đảng viên cố tìm cách ngăn chặn lạm phát và làm sao để các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh có lợi hơn.
Mức tăng trưởng Kinh tế Việt Nam là 6,8% trong năm 2010, khả quan hơn là điều chính phủ dự đoán. Nhưng các dữ liệu chính thức cho thấy giá tiêu thụ tăng 11% cũng trong cùng thời kỳ này, trong lúc mức thâm hụt mậu dịch của quốc gia lên tới hơn 12 tỉ đô la.
Các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu sử dụng 40% vốn đầu tư vào nước này, nhưng chỉ sản xuất được 25% tổng sản phẩm nội địa. Thực sự, nhiều cơ sở kinh doanh do nhà nước sở hữu cần phải được cải tổ.
Chính sách kinh tế của Thủ tướng bị chỉ trích nặng nhất là sau vụ công ty đóng tàu Vinashin hầu như bị phá sản trong năm ngoái.
Công ty đã có thời ăn nên làm ra này đã biến thành một tổ hợp nợ nần chồng chất, với số nợ lên tới 4 tỉ 400 triệu đô la, và trong tháng 12 vừa qua, đã không thể trả được khoản đầu tiên của số 600 triệu đô la vay của nước ngoài.
Việt Nam cũng đã đánh sụt giá chỉ tệ 3 lần trong năm qua, khiến cho chính phủ lại càng gặp khó khăn hơn trong việc hoàn trả các món nợ.