Vì sao VNCH không còn là ‘ngụy quân ngụy quyền’?

Bộ sách sử mới của Việt Nam, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn, 18/8/2017

Tháng Tám năm 2017, lần đầu tiên từ thời điểm “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, đã diễn ra một sự kiện rất đặc biệt và hoàn toàn chưa có tiền lệ: Bộ sách Lịch sử Việt Nam - đã “nhìn nhận công lao nhà Mạc cùng chúa Nguyễn và các vương triều nhà Nguyễn, không gọi chính quyền Việt Nam cộng hoà là ngụy quân, ngụy quyền như trước, chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam...”.

Tin tức trên được báo Tuổi Trẻ đăng ngày 18/8/2017.


“Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam”


PGS. TS Trần Đức Cường, nguyên viện trưởng Viện sử học, chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN, tổng chủ biên bộ sách Lịch sử VN, đã trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ với một nội dung đáng chú ý: “Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam… Trước đây, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà, mọi người vẫn hay gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn. Lịch sử phải khách quan, phải viết thế nào để mọi người chấp nhận”.

Diễn giải của ông Trần Đức Cường cũng là phát ngôn đầu tiên, hoặc đã có nhưng rất hiếm hoi, của một quan chức bậc trung về “Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam”, dù được báo Tuổi Trẻ cẩn trọng giải thích là “bên lề buổi giới thiệu sách…”, tức có thể hiểu là phát ngôn này không phải được phát ra trên diễn đàn chính thức.

Bằng chứng quá rõ về tính hiếm hoi trên là kể từ Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị đảng cầm quyền về “thực hiện công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài” từ năm 2003, kèm theo chủ trương “hòa hợp hòa giải dân tộc”, chỉ đến năm 2015 mới le lói một cách nhìn ngấm ngầm trong nội bộ đảng về “thực thể Việt Nam Cộng Hòa”, nhưng từ đó đến nay lại chưa có một phát ngôn chính thức nào của giới quan chức về điều này, càng không có bất kỳ đảng văn hay văn bản pháp quy nào đề cập đến vấn đề được xem là rất nhạy cảm chính trị này. Trong thời gian đó, hệ thống tuyên truyền của tuyên giáo đảng và công an vẫn sắt máu duy trì cụm từ “ngụy quân ngụy quyền”, đặc biệt thể hiện trên các diễn đàn của giới dư luận viên, tuy mật độ nhắc đến cụm từ này có thuyên giảm đôi chút.

Nhưng dù “thực thể Việt Nam Cộng Hòa” không hoặc chưa phải là phát ngôn hay chủ trương được chính thức công bố, hiện tượng bộ sách Lịch sử Việt Nam không còn xem Việt Nam Cộng Hòa là “nguỵ quân ngụy quyền” vẫn là một sự xác nhận gián tiếp về tính chủ trương chưa được công bố, cùng lúc được “bật đèn xanh” từ một cấp trên nào đó.

Vậy “cấp trên” đó là cơ quan nào? Là ai?


Ai và vì sao?


Thông thường và theo “đúng quy trình”, người ta nghĩ ngay đến Ban Tuyên giáo trung ương. Còn “cao” hơn nữa chỉ có thể là Ban Bí thư hoặc Tổng bí thư.

Thế nhưng điều trớ trêu là từ trước đến nay, hầu hết phát ngôn công khai của giới chóp bu Việt Nam, từ Tổng bí thư Trọng trở xuống Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng hay các quan chức cấp cao khác…, đều chưa từng xác nhận “thực thể Việt Nam Cộng Hòa”.

Dấu chỉ duy nhất về “hòa hợp dân tộc” liên quan đến Tổng bí thư Trọng được tiết lộ chỉ là việc vào đầu năm 2017, nhân vật này đã “gật” với đề xuất của Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh về “mời tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người đã cầm bút phục vụ chế độ cũ, về dự ‘Hội nghị hòa hợp dân tộc’ dịp giỗ tổ Hùng Vương”.

Chưa có bằng chừng nào để khẳng định rằng Nguyễn Phú Trọng là người chủ xướng cho hội nghị đặc biệt trên, trong khi từ đó tới nay ông Trọng còn phải “căng mình” đối phó với đủ thứ chuyện đấu đá trong nội bộ đảng cùng nhiều mầm mống khủng hoảng kinh tế và xã hội. Và cả với cuộc khủng hoảng đối ngoại mới nhất mang tên “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”…

Cần nhắc lại, “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” đã phải gánh chịu một thất bại - một phá sản cay đắng. Ngay sau khi ông Hữu Thỉnh phát ra tuyên bố về này, khắp các diễn đàn trong nước và đặc biệt ở hải ngoại đã phản ứng như sóng lừng. Rất nhiều ý kiến của nhà văn, nhà báo hải ngoại cho rằng sự kiện này về thực chất chỉ mang tính “cuội.” Họ tung ra một câu hỏi quá khó để trả lời rằng Nghị Quyết 36 của Bộ Chính Trị về “công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài” đã ra đời mười mấy năm trước mà hầu như chưa làm được gì cả, nhưng tại sao đến nay mới sinh ra mới cái cử chỉ như thể “chiêu dụ người Việt hải ngoại” như thế?

Nhiều ý kiến từ hải ngoại cũng thấu tim gan “đảng quang vinh” về chuyện suốt từ năm 1975 đến nay, đảng chỉ quan tâm đến “khúc ruột ngàn dặm” nhằm hút đô la “làm giàu cho đất nước” càng nhiều càng tốt, nhưng ai cũng hiểu là không có đô la thì chế độ không thể nào tồn tại.

Nhưng lại quá hiếm trường hợp trí thức của “khúc ruột ngàn dặm” được đảng ưu ái tạo cho đất dụng võ ở quê nhà. Sau hơn bốn chục năm “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,” vẫn còn quá nhiều cảnh kỳ thị của nhà cầm quyền Việt Nam đối với giới trí thức và văn nghệ sĩ hải ngoại. Nhiều trí thức hải ngoại ôm mộng trở về Việt Nam để “cống hiến,” nhưng cuối cùng đã phải chua chát biệt ly khỏi “vòng tay của đảng.” Nếu tạm gác lại nhu cầu đô la, “khúc ruột ngàn dặm” đã chẳng có gì khác hơn là “ruột dư”…

Một câu hỏi “day dứt” khác: tại sao không phải những năm trước mà đến năm nay - 2017 - đảng mới lấp ló xác nhận gián tiếp về “thực thể Việt Nam Cộng Hòa”?

Sự thật quá hiển nhiên là giờ đây, tình trạng chính trị và kinh tế của đảng cầm quyền là khó khăn hơn bao giờ hết. Sự bế tắc gần như toàn diện như thế đã khiến đang manh nha phát sinh một luồng tư tưởng cùng một số quan chức buộc phải nghiêng dần theo xu hướng “cải cách”. Trong những “cải cách” đó, lần đầu tiên từ sau năm 1975 đã bộc lộ tín hiệu có vẻ đôi chút thực chất về “lấy lòng người Việt hải ngoại”.

Kể cả làm thế nào để đạt được một thâm ý sống còn hơn hết thảy: cộng đồng người Việt ở các quốc gia, đặc biệt ở Mỹ, sẽ “để yên” cho nhiều quan chức và thân nhân quan chức Việt Nam ung dung rửa tiền, mua sắm nhà cửa, kinh doanh và hưởng thụ cuộc sống ở xứ sở tượng trưng cho lối thoát, nếu tình hình trong nước “có biến”?


“Những người lính ở phía bên kia chiến tuyến”


Nằm trong khoảng giữa của “hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” tháng 4/2017 và bộ sách giáo khoa Lịch sử Việt Nam tháng 8/2017, lễ kỷ niệm “Ngày thương binh liệt sĩ 27/7” năm 2017 lại có cái gì đó là lạ…

Ngày 25/7/2017, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Quỹ Mãi mãi tuổi 20… tổ chức hội thảo khoa học “Những bức thư thời chiến với truyền thống và văn hóa dân tộc”.

Điểm nhấn của cuộc hội thảo trên là nhà văn Lê Thị Bích Hồng tìm được ở những lá thư thời chiến tinh thần và khát vọng hoà hợp dân tộc của những người lính “Việt cộng” và cả những người lính Việt Nam Cộng hòa “phía bên kia”.

Báo chí nhà nước bình luận: Khát vọng hòa hợp dân tộc, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh cũng là động lực để nhà văn Đặng Vương Hưng đưa vào tuyển tập những lá thư thời chiến của những người lính ở phía bên kia chiến tuyến.

Khác với một số lần “trình diễn” trước với cụm từ “chế độ cũ”, lần này có đôi chút “cách tân” hơn khi cuộc hội thảo trên và được báo chí nhà nước đưa tin đã lấp ló cụm từ “Việt Nam Cộng Hòa” như một hàm ý thừa nhận chế độ chính trị ở miền Nam trước năm 1975.

Chỉ sau hội thảo trên một ngày, Đài truyền hình Việt Nam như thể “vô tình” phát hình ảnh những người lính VNCH và lính quân giải phóng lồng với nhau, nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7…


Một tiền đề “tự chuyển hóa”?


Tháng Tám năm 2017. Hiện tượng bộ sách Lịch sử Việt Nam gián tiếp xác nhận “thực thể Việt Nam Cộng Hòa” có thể được xem là một sự kiện lịch sử, và có thể là một tiền đề dẫn đến một giai đoạn “tự chuyển hóa” về quan điểm chính trị của đảng, hay nói chính xác hơn là bắt đầu từ một bộ phận nào đó của đảng cầm quyền. Tiến trình chuyển đổi này có thể nhanh hơn hoặc tăng tốc vào năm sau - 2018.

Ngân sách đang hiện ra nhiều dấu hiệu cạn kiệt nhanh khó lường. Trong tình thế hầu hết các nguồn “ngoại viện” đều đóng cửa, không “tự chuyển hóa” thì đảng thì đảng sẽ.. hy sinh.

Bối cảnh của thái độ dần thừa nhận “khúc ruột ngàn dặm” lại đậm đà dấu ấn “thu nhập ngân sách”: sau 23 năm tăng trưởng liên tục, lượng kiều hối do “kiều bào ta” gửi về Việt Nam đã sụt giảm nặng nề vào năm 2016, chỉ còn 9 tỷ USD so với 13,5 tỷ USD của năm 2015. Vào nửa đầu của năm 2017, lượng kiều hối thậm chí còn “suy thoái tư tưởng” ghê gớm hơn, đến mức cho tới thời điểm này Tổng cục Thống kê còn không dám công bố con số kiều hối về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017.

Trong khi đó, một dự báo của Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ còn cho thấy trong năm 2017 này, lượng kiều hối về Việt Nam có thể chỉ còn 5,4 tỷ USD. Tức “tụt hậu” đến chẵn một thập kỷ…

Một bài toán quá khốn quẫn đang dựng đứng: nếu không thu hút được đủ nhiều kiều hối của “kiều bào ta”, chính phủ đào đâu ra ngoại tệ mạnh để bù đắp hố nhập siêu đến năm chục tỷ đô la từ Trung Quốc và trả nợ nước ngoài hàng chục tỷ Mỹ kim mỗi năm?