VNHRN trao giải nhân quyền cho 3 người ‘đấu tranh trong tù’ vì dân chủ ở Việt Nam

(Ảnh ghép từ trái qua phải) Đỗ Nam Trung, Bủi Văn Thuận và Đặng Đăng Phước, hiện đang thụ án tù tại các trại tù ở Việt Nam vì các cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước", vừa được vinh giải với giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2024.

Các tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận, Đặng Đăng Phước và Đỗ Nam Trung vừa được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (MLHQVN) chọn để trao giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2024 vì công cuộc đấu tranh từ trong tù và sự hy sinh của họ “để Việt Nam sớm có tự do dân chủ.”

MLNQVN, một tổ chức tranh đấu cho quyền của người dân Việt Nam có trụ sở ở California của Mỹ, công bố quyết định trao giải thưởng thường niên này hôm 18/11 qua một buổi họp báo được truyền trực tiếp trên mạng xã hội.

Giải thích lý do chọn 3 tù nhân lương tâm này cho giải thưởng năm nay, ông Vũ Hoàng Hải, phó trưởng ban điều hành MLNQVN cho VOA biết rằng tổ chức muốn “tuyên dương những tinh thần đấu tranh bất khuất” cũng như “vinh danh những công lao đóng góp của họ” trong cuộc đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

“Đỗ Nam Trung là một người còn rất trẻ… tham gia đấu tranh bằng cách chống BOT (trạm thu phí ‘bẩn’) và chống Trung Cộng… Bùi Văn Thuận, cũng giống như Đỗ Nam Trung, cũng đấu tranh chống bành trướng của Trung Cộng… nêu gương là những người tranh đấu trẻ và luôn hướng về tổ quốc muốn cho dân chủ tự do… Đặng Đăng Phước, trong quá trình dạy nhạc, đã truyền bá tư tưởng dân chủ cho mọi người hiểu biết về các vấn đề tình hình Việt Nam… và đấu tranh cho dân chủ,” ông Hải nói.

“Với những lý do đó, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam đã rất hân hạnh khi tuyển chọn được 3 người này cho giải khôi nguyên của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam năm 2024.”

Ông Thuận, sinh năm 1981 và xuất thân từ dân tộc Mường, đã tham gia một số cuộc biểu tình chống tham vọng bành trướng của Trung Quốc đối với lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam cũng như phản đối thảm họa môi trường do Công ty Thép Formosa ở Hà Tĩnh gây ra vào năm 2016. Ông cũng thường xuyên lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền và tù nhân chính trị trong khi công khai chỉ trích những tranh chấp trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông bị tuyên án 8 năm tù vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước” Việt Nam theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự vào năm 2022.

Ông Đỗ Nam Trung, cũng sinh năm 1981, là người tham gia những phong trào hoạt động sau khi bị ngồi tù 9 tháng vì một tai nạn giao thông mà ông không nhận là người chịu trách nhiệm, trong đó có “đánh BOT”, một hình thức phản đối ôn hòa những trạm thu phí trên các trục lộ giao thông đặt không đúng vị trí hoặc thu phí quá mức, và các cuộc biểu tình ôn hòa khác để phản đối nhà cầm quyền chặt hạ cây xanh không vì lý do chính đáng.

Là thành viên của Hội anh em Dân chủ, vốn bị chính quyền Việt Nam xem là một tổ chức chống phá, ông Trung tham gia đưa tin về các vụ biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam vào tháng 5/2014. Sau đó ông bị kết án hơn 1 năm tù vì tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ.” Ông đã tiếp tục đấu tranh sau khi ra tù và tham gia biểu tình phản đối Formosa năm 2016 cũng như biểu tình phản đối Dự luật An ninh mạng và Dự luật Đặc khu Kinh tế năm 2018.

Tại một hội nghị nhân quyền ở Ireland vào năm 2019, ông trình bày về tình trạng vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam. Sau đó 2 năm ông bị bắt giam và bị tuyên án 10 năm tù vì tội danh tương tự như đã được dùng để kết án ông Thuận.

Trong khi đó ông Phước, sinh năm 1963, bắt đầu hoạt động cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam khi trở lại nghề dạy nhạc sau khi giải ngũ. Thông qua mạng xã hội, ông lên tiếng đòi quyền đất đai cho các nhóm dân tộc thiểu số và tố cáo tình trạng tham nhũng. Ông cũng đòi hỏi các quyền dân sự và chính trị của người dân, gồm tự do ngôn luận, biểu đại, lập hội và tôn giáo. Nhà giáo dạy nhạc này cũng công khai phản đối luật An ninh mạng năm 2018 và thảm họa môi trường Formosa ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Thông qua blog Thư viện Âm nhạc với hàng triệu người xem, ông Phước đăng tải các bài viết về âm nhạc, giáo dục và chính trị. Ông cũng biểu diễn trên mạng xã hội những bài hát yêu nước của các nhà hoạt động và nhạc sĩ như Việt Khang và Tuấn Khanh.

Ông bị kết án 8 năm tù cũng với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vào năm 2022.

Ông Thuận, ông Trung và ông Phước đều đang bị giam trong các trại giam, lần lượt ở Nghệ An, Thanh Hóa và Phú Yên.

Chính quyền Việt Nam thường xuyên bác bỏ các cáo buộc của các tổ chức quốc tế và các nhà tranh đấu về việc giam giữ tù nhân lương tâm cũng như nói rằng họ chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật và đảm bảo người dân có các quyền tự do ở trong nước.

Các tổ chức quốc tế trong các dịp khác nhau đều đã lên án việc Việt Nam kết án 3 tù nhân lương tâm này và kêu gọi chính quyền trả tự do cho họ.

Trong một thông cáo báo chí đưa ra ngày 18/11, MLNQVN viết rằng ông Thuận và ông Trung đã “không quản ngại gian nguy và tù đày” để đấu tranh cho “nhân quyền, công bằng xã hội, và sự toàn vẹn lãnh thổ của quê hương”. Về ông Phước, MLNQVN ca ngợi tù nhân lương tâm này đã “có lòng nhân ái bao la dành cho dân nghèo thấp cổ bé miệng và tinh thần đấu tranh kiên trì cho lý tưởng nhân quyền.”

“Qua lần trao giải này, chúng tôi thúc đẩy các tổ chức, cá nhân quan tâm đến vấn đề nhân quyền, quan tâm đến vấn đề tự do dân chủ và chúng tôi muốn nhóm lên ngọn lửa để thúc đẩy cho tình thần đấu tranh ở trong nước… để những tiếng nói này vẫn được tồn tại và vẫn được quan tâm cũng như được vinh danh (cho) những công lao đóng góp của họ.” ông Hải nói.

Bà Trịnh Thị Nhung, vợ của ông Thuận nói với VOA rằng bà đã thông báo cho chồng mình về giải thưởng.

“Anh ấy rất vui, anh Thuận gởi lời cảm ơn ban tổ chức giải và cảm ơn tất cả mọi người trong và ngoài nước,” bà Nhung nói qua tin nhắn, và cho biết “đây là niềm vinh dự rất lớn dành cho anh Thuận và gia đình.”

“Đây là sự động viên tinh thần cực kỳ lớn, chúng tôi hiểu rằng chúng tôi không hề cô đơn,” bà Nhung nói.

MLNQVN cho biết họ đã vinh danh hàng chục cá nhân và tổ chức đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam trong 22 năm qua. Buổi lễ trao giải năm nay dự kiến sẽ diễn ra ở Houston, Texas, vào ngày 15/12.