Đã gần hai tuần lễ trôi qua sau vụ nổ súng giết người hàng loạt lớn nhất ở Hoa Kỳ. Bất kể những lời kêu gọi của công chúng đòi các luật lệ kiểm soát súng ống gắt gao hơn, Quốc hội vẫn ở trong thế bế tắc. Các nhà lập pháp Dân chủ đã sử dụng một chiến thuật dân quyền thời thập niên 1960 để mô tả sự bất bình của họ. Thông tín viên VOA Carolyn Presutti phân tích vụ nổ súng ở Orlando đang làm thay đổi cuộc tranh luận như thế nào, trong bài tường thuật sau.
Những lời hô hào cử tri của đảng Cộng hòa gọi điện thoại cho đại diện của mình vang lên vào lúc diễn ra một cuộc tranh chấp lịch sử hiếm thấy tại trụ sở Quốc Hội, trong khi các đảng viên Dân chủ bất bình trước tình trạng án binh bất động về các dự luật có liên quan đến súng ống tổ chức một cuộc tọa kháng trước khi Quốc Hội nghỉ hè. Họ đã dùng Facebook và Periscope để phổ biến tin tức trực tiếp.
Một đại biểu Dân chủ nói: “Quý vị có thể giúp chúng tôi thắng cuộc chiến này, hỡi nước Mỹ”.
Nhưng công chúng chia rẽ về việc làm đó, ngay cả sau vụ tấn công gây chết chóc tại hộp đêm ở Orlando. Một cuộc thăm dò do đài CNN thực hiện cho thấy 55% ủng hộ các luật lệ kiểm soát súng gay gắt hơn. Nhưng sự ủng hộ dành cho một lệnh cấm sử dụng vũ khí tấn công, kể cả loại đã được sử dụng ở Orlando, đã nhảy lên tới mức 57% trong một cuộc thăm dò của đài CBS. Nhiều người quy trách cho sự vận động của các nhà sản xuất súng.
Một ý kiến cho rằng: “Hiệp hội Súng Quốc gia không điều hành nước này và chúng ta cần lấy lại sự kiểm soát”.
Một số người nói vụ tấn công khủng bố ở Orlando đã có một tác động đối nghịch và khiến mọi người sợ hãi muốn hành động, như ý kiến của ông Robert Cottrol, thuộc trường Đại học George Washington: “Có lẽ có một số người đáng kể cũng nghĩ rằng 'Có thể tôi cũng có thể có được một khẩu súng để bảo vệ cho mình bởi vì có lẽ đây là một thời đại khủng bố mà cảnh sát có thể không sẵn sàng ở gần để làm việc ấy'”.
Bởi lẽ Quốc hội đang khựng lại không đưa ra quyết định toàn quốc, một số bang như Indiana đang thông qua luật lệ của riêng mình. Dân biểu Dân chủ ở bang Indiana, ông Ed DeLaney nói: “Gần như không có hy vọng nào là Washington sẽ làm gì. Tối cao Pháp viện đã khẳng định rõ rằng chúng ta được phép hạn chế vũ khí tự động, và chúng ta nên làm điều đó”.
Orlando đã đem lại một trọng điểm mới cho cuộc vận động chống súng ống: đó là ngăn cấm những người bị nghi là phần tử khủng bố - những người nằm trong danh sách theo dõi của FBI hay trong danh sách cấm bay – không được mua súng. Nhưng ông Cottrol tiên đoán là sẽ không có thay đổi cơ bản nào về sở hữu súng trong nay mai. Một cuộc thăm dò của tổ chức Pew nhận thấy 2 trong số 5 người Mỹ có một khẩu súng.