Công an tỉnh Long An hôm 20/7 bác bỏ cáo buộc của các bị cáo vụ Tịnh thất Bồng Lai, đang được đưa ra xét xử, cho rằng họ bị các cán bộ dùng nhục hình để ép cung và đề nghị các bị cáo “đưa ra chứng cứ,” theo truyền thông trong nước.
Sáu người ở Tịnh thất Bồng Lai, trong đó có ông Lê Tùng Vân – người đứng đầu tịnh thất – đang bị xét xử trong phiên xử sơ thẩm tại TAND huyện Đức Hòa ở Long An với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Ông Vân, 90 tuổi, và những người được cho là con của ông bị chính quyền Long An khởi tố hồi tháng 1 vì bị cho là “có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi.”
Hai trong số sáu thành viên của Tịnh thất Bồng Lai bị đưa ra xét xử nói rằng họ bị đánh và bị uy hiếp trong quá trình điều tra.
Ghi nhận về phiên tòa ngày 20/7, VTC cho biết rằng bị cáo Lê Thanh Nhất Nguyên nói rằng: “Khi chưa có luật sư thì tôi bị đánh, còn khi có sự tham dự của các luật sư thì tôi không còn bị đánh nữa.” Bị cáo 31 tuổi yêu cầu Viện kiểm sát “điều tra lại toàn bộ sự việc.”
Tương tự, bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên cũng kêu oan vì bị đánh và bị uy hiếp, theo VTC. Bị cáo 24 tuổi nói rằng mình bị đánh vào giai đoạn đầu trước khi Công an huyện Đức Hòa mời lên làm việc và cũng đề nghị cuộc điều tra được tiến hành lại từ đầu. Bị cáo này phản bác cáo buộc của VKS là sai sự thật.
Khi các luật sư hỏi về việc một số bị cáo nói bị đánh, ép cung trong quá trình điều tra, đại diện Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An khẳng định rằng “không có việc cán bộ đánh đập, dùng nhục hình với các bị cáo.”
Theo VnExpress, đại diện cơ quan ANĐT, không được nêu danh tính, khẳng định rằng toàn bộ quá trình điều tra đều thực hiện đúng pháp luật, có ghi âm, ghi hình. Đại diện này nói rằng: “Bị cáo nói bị đánh thì đề nghị đưa ra chứng cứ.”
Cáo trạng được truyền thông trong nước trích dẫn cho biết từ 2019 đến 2021, ông Vân đã chỉ đạo Nhất Nguyên và Lê Thanh Hoàn Nguyên lập nhiều tài khoản YouTube “5 Chú tiểu – Thiền am bên bờ vũ trụ” và “Nhất Nguyên – Hoàn Nguyên Official”. Cáo trạng nói rằng những người này đã dàn dựng, diễn xuất, đăng tải các video có lời nói xuyên tạc giáo lý Phật giáo, xúc phạm uy tính của Công an huyện Đức Hòa, làm ảnh hưởng an ninh, chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.
Từ năm 2016, ông Vân và một số người khác đến trú ngụ tại một căn nhà ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây thuộc huyện Đức Hòa, do bà Cao Thị Cúc – một trong số 6 bị can đang bị xét xử – làm chủ hộ. Theo truyền thông trong nước, ông Vân biến nơi đây thành cơ sở tu tại gia theo Phật giáo lấy tên Tịnh thất Bồng Lai, sau đổi thành Thiền am bên bờ vũ trụ.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An khẳng định Tịnh thất Bồng Lai không phải là cơ sở Phật giáo, và rằng những người sống, sinh hoạt ở đó không phải là tu sĩ Phật giáo.
Một tu sĩ ở TPHCM hồi đầu năm nay nói với VOA rằng “đây là những biện pháp đàn áp, đấu tố, trù dập mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền Việt Nam đang làm đối với Tịnh thất Bồng Lai.”
Trong các phát biểu trước đây, ông Vân từng nói rằng ông là người tu tại gia, và cho dù Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công nhận hay không, các thành viên Tịnh thất Bồng Lai vẫn là “người tu thật, không có chuyện giả tu.”