Có nhiều điều bất thường trong việc một bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát được thông báo là đã chết và việc này sẽ khiến việc điều tra vụ trọng án này gặp nhiều khó khăn, một luật sư từ Hà Nội nói với VOA.
Bà Nguyễn Phương Hồng, 39 tuổi, một trợ lý trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vào tối ngày 10/10 được một số báo trong nước như Pháp luật, Vietnammet loan báo là đã qua đời. Bà Hằng là một bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bị bắt cùng với chủ tịch Tập đoàn Trương Mỹ Lan hôm 7/10.
Hình ảnh cáo phó được báo chí chụp lại cho thấy bà Hồng qua đời vào lúc 3:30h ngày 9/10, tức là chỉ hai ngày sau khi bà bị bắt tạm giam cùng các bị can khác trong vụ án ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ tại Tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát.
Tuy nhiên, cho đến giờ, cơ quan công an vẫn chưa thông báo gì về cái chết của bà Hồng, còn bản tin về cái chết của bà trên các báo cũng bị rút lại không rõ nguyên do. Việc các báo chỉ rút tin mà không đính chính càng khiến dư luận nghi ngờ cái chết của bà Hồng là sự thật.
Bản tin trên báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, nơi đầu tiên đưa tin bà Hồng đã chết, không nói rõ nguyên nhân cái chết cũng như bà chết trong trường hợp nào, ở nhà riêng hay ở trại giam.
‘Còn trẻ và khỏe’
Từ Hà Nội, ông Lê Quốc Quân, một luật sư bất đồng chính kiến từng thụ án tù về tội ‘Trốn thuế’, nhận định với VOA rằng ‘có nhiều điều bất thường quanh cái chết của bà Hồng’.
Theo phân tích của ông thì khi bị bắt bà Hồng vẫn còn trẻ và ‘chắc chắn còn khoẻ’.
“Cô ấy khỏe là vì người ta không bắt những người bệnh tật, ốm đau mà có thể phương hại đến tính mạng ngay lập tức”, luật sư giải thích và lưu ý từ ngày bà Hồng bị bắt cho đến khi bà được thông báo là qua đời chỉ có 2 ngày.
Ông chỉ ra việc ở Việt Nam một số bị can có thể viện lý do sức khỏe hay phải chữa bệnh để từ chối làm việc với cơ quan điều tra, hầu tòa hay tham gia các hoạt động tố tụng khác, chưa nói đến bị bắt tạm giam.
Điều bất thường nữa là việc báo chí loan tin về cái chết này nhưng lại rút bài xuống chỉ sau vài tiếng, ông nói, và việc đám tang của bà bị công an, dân phòng canh gác không cho mọi người đến gần để chụp ảnh.
Do đó, ông loại trừ khả năng bà Hồng chết ‘vì lý do tự nhiên’. “Khả năng cô ấy tử vong do tác động bên ngoài là cực kỳ cao”, luật sư Quân nhận định.
“Không dễ dàng chết ở trong tù nếu không có ai sát hại vì ngay cả một mẩu sắt nhỏ hay một sợi dây nhỏ cũng luôn bị kiểm soát và bị coi là vi phạm nếu ai đó có thể đem vào trong được”, vị luật sư này, vốn cũng từng ở trong trại giam Việt Nam, phân tích để loại trừ khả năng bà Hồng tự tử.
Về khả năng bà Hồng bị ám toán, ông Quân nói trên lý thuyết bà phải được công an ‘bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt’, nhất là trong giai đoạn đầu điều tra, vì ‘bà ấy đang liên quan đến vụ án hết sức nghiêm trọng với vai trò, vị trí hết sức quan trọng’.
“Điều kiện ám toán ở trong trại giam Việt Nam là hoàn toàn có thể với điều kiện phải có được sự đồng ý hay tiếp tay của cán bộ trại giam, hoặc là từ cấp cao nhất, hoặc là cả dây chuyền”, ông nói thêm.
‘Phải điều tra về cái chết’
Ông dẫn ra Luật Thi hành án Hình sự và Luật Tạm giam, Tạm giữ vốn quy định rằng một khi có cái chết trong trại giam thì công an phải tiến hành điều tra, khám nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân, tìm hiểu xem có dấu hiệu phạm tội hay không và nếu có thì phải khởi tố vụ án.
Ngoài ra, luật còn quy định cán bộ trại giam phải làm thủ tục khai tử, thông báo cho Viện Kiểm sát, thông báo cho thân nhân trong vòng 24 tiếng và nếu có đơn của thân nhân xin đưa thi thể về nhà thì phải xem xét giải quyết.
Ông cho rằng các thủ tục này có thể hoàn thành nhanh chóng trong vòng 1 hay 2 ngày. Khung thời gian đó cũng phù hợp với từ lúc bà Hồng bị bắt đến khi được thông báo là đã chết.
Sau khi bà Hồng qua đời, theo luật, phải đình chỉ điều tra những việc liên quan đến bà, ông nói. “Nếu bà là mắt xích quan trọng thì mắt xích này sẽ bị chặt đứt, mọi đầu mối dẫn đến bà ấy đều bị tắc”, ông cho biết.
Theo lời luật sư Quân thì kẻ được lợi trong cái chết bí ẩn của bà Hồng là ‘những người muốn gây khó khăn cho quá trình điều tra, có thể là những thế lực hắc ám đứng sau bà Hồng, những kẻ đã thực hiện hành vi phạm tội từ trước đến giờ với bà Hồng’.
Về sự an nguy của các bị can còn lại trong vụ án, trong đó có bà Trương Mỹ Lan, ông Quân nói ‘chắc chắn sẽ có chỉ đạo từ cấp rất cao ở Bộ Công an và thậm chí cả Bộ Chính trị để cho tính mạng của bà Lan và các can phạm khác được đảm bảo và quá trình điều tra được trôi chảy’.