Một chủ tiệm làm móng gốc Việt sống ở cách hiện trường vụ xả súng chết chóc ở Los Angeles chỉ vài bước chân nói với VOA rằng vụ việc khiến cho ‘cộng đồng Việt Nam bị mang tiếng với các cộng đồng khác ở Mỹ’ do hung thủ được xác định là người gốc Việt.
Vụ xả súng vào đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão, tức ngày 21/1, tại sàn nhảy có đông người gốc Á Star Ballroom Dance Studio ở khu Monterey Park, thành phố Los Angeles, bang California, đã khiến 11 người thiệt mạng.
Nghi phạm được xác định là ông Huu-Can Tran, 72 tuổi, di dân đến từ Việt Nam. Ông Can đã tự sát một ngày sau đó trong chiếc xe van màu trắng của ông sau cuộc truy đuổi kéo dài của cảnh sát.
Hiện tại, nhà chức trách vẫn chưa xác định được động cơ xả súng của nghi phạm nhưng cuộc điều tra đang tập trung vào ‘mâu thuẫn cá nhân’.
‘Ăn Tết bình thường’
Từ khu Monterey Park, ông Tâm Nguyễn, một chủ tiệm làm móng sinh sống trên đường Alhambra cách hiện trường xảy ra vụ xả súng chỉ 0,25 dặm, nói với VOA vào khoảng 10h tối ngày 21/1 khi nghe thấy tiếng nổ, con trai ông nói với ông rằng: “Ba ơi có tiếng súng.”
“Tôi nói không phải đâu con, người ta đốt pháo đón giao thừa,” ông kể.
Sáng hôm sau, khi thấy tin tức trên tivi về vụ xả súng thì ông mới ‘hết hồn’, ông Tâm cho biết vì nó xảy ra gần sát nhà ông.
Sau đó, ông vẫn chở vợ con đi viếng chùa, coi đốt pháo, múa lân vào sáng ngày mùng Một Tết, ông nói, vì ‘nó bình thường thôi, mọi chuyện đã có Nhà nước lo, không có gì phải sợ’.
“Tôi không sợ tại vì không phải là khủng bố mà chỉ là một người điên khùng thiếu suy nghĩ làm ra thôi,” ông trần tình và cho biết việc đón Tết của cộng đồng ‘không bị ảnh hưởng gì’.
Tuy nhiên, tờ New York Times cho biết các hoạt động vui chơi Tết ở khu vực Monterey Park, một khu vực của người gốc Á ở đông Los Angeles, bị ngưng lại ngay lập tức sau vụ xả súng.
Ông cho biết ‘ngoại trừ nhà chức trách yêu cầu mình làm gì thì mình làm thôi’, còn lại ông ‘vẫn thực hiện những phong tục tập quán ngày Tết của mình’.
“Chuyện đó xảy ra ở nước Mỹ rất bình thường, cộng đồng nào cũng vậy.”
Theo lời ông Tâm thì ông bị bất ngờ khi biết thủ phạm làm một người gốc Việt. “Tôi không nghĩ một ông già mà đến nỗi điên khùng đến như thế mà đi làm chuyện đó. Quá ngu xuẩn,” ông nói.
“Nếu có gì uất ức chịu không nổi thì tự mình xử trong gia đình mình thôi. Sao đi bắn người vô tội? Quá dã man,” ông nói thêm.
‘Khiến cộng đồng mang tiếng’
Theo lời ông thì đó giờ cộng đồng Việt cũng xảy ra một số vụ xả súng nhưng không đến mức có nhiều người chết như vậy. “Xả súng hàng loạt đó giờ chỉ có ở người của các cộng đồng khác thôi, ai ngờ cộng đồng Việt Nam cũng nhiễm thói hư tật xấu như vậy,” ông nói.
Ông nhận định cộng đồng Việt Nam ‘rất hiền hòa, chỉ biết đi làm, đi cày, tận hưởng cuộc sống’.
“Mình đến xứ sở tự do có luật pháp chứ có phải vô pháp đâu mà muốn cầm súng bắn ai thì bắn,” ông giãi bày.
Theo lời người chủ tiệm nail này thì sau khi vụ việc xảy ra, các khách hàng đến tiệm của ông đều hỏi thăm về vụ việc, chẳng hạn như ‘thủ phạm là người thế nào?’, ‘có phải do ghen tuông không hay có vấn đề tâm lý?’ Tuy nhiên, ông nói ông không cho nhân viên của ông bàn tán về chuyện này với khách khi làm việc.
“Vụ việc xảy ra như vậy làm cho cộng đồng bị mang tiếng lắm,” ông nói. Tuy nhiên, ông bày tỏ tin tưởng rằng ‘đa số người Mỹ hiểu rằng cộng đồng Việt Nam chỉ thuần túy làm ăn, kiếm tiền’.
Khi được hỏi ý kiến về quyền sở hữu súng đạn, ông Tâm nói bản thân ông là người có súng nên ông ‘phản đối việc cấm bán súng đạn’.
“Hiến pháp đã ghi rất rõ. Tự do là tự do. Nếu cấm súng thì những vùng xa xôi có chuyện gì gọi cảnh sát mấy tiếng đồng hồ cảnh sát mới tới thì làm sao người ta tự vệ,” ông Tâm lập luận.
Ông đổ lỗi vụ xả súng của ông Huu-Can Tran là do nhà chức trách không làm công việc kiểm tra nhân thân kỹ lưỡng khiến súng đạn rơi vào tay không đúng người.
Do thù hằn cá nhân?
Ông Huu-Can Tran sống trong một khu nhà di động dành cho người từ 55 tuổi trở lên có tên là Lakes at Hemet West, nằm đối diện một cánh đồng trồng trọt và một trung tâm mua sắm.
Gần đây ông Can đã đến đồn cảnh sát ở thành phố Hemet — nơi ông sống cách Monterey Park khoảng 80 dặm về phía đông — để trình báo rằng gia đình ông đã đầu độc ông và dàn dựng một vụ lừa đảo để lấy tiền của ông, ông Alan Reyes, phát ngôn nhân của Sở cảnh sát Hemet được New York Times dẫn lời nói.
Ông cho biết ông Can đã đến đồn cảnh sát hai lần để trình báo — vào các ngày 7 và 9/1— và được yêu cầu về lấy bằng chứng. Nhưng ông ấy đã không quay lại.
Cảnh sát đã khám xét nhà ông Can vào ngày 22/1 và đã thu giữ một khẩu súng trường, một số thiết bị điện tử, lượng lớn đạn dược và các vật dụng mà các nhà điều tra tin rằng ông Can đang sử dụng để chế tạo bộ phận giảm thanh cho súng, Cảnh sát trưởng Hạt Los Angeles, ông Robert Luna cho biết hôm 23/1.
Ông cũng nói rằng ông Can đã bị bắt vào năm 1990 vì sở hữu súng bất hợp pháp, cũng theo New York Times.
Cảnh sát trưởng Luna cho biết các nhà điều tra vẫn đang cố gắng xác định động cơ và họ đang xem xét khả năng tư thù cá nhân hoặc ghen tuông. Ông nói vẫn chưa rõ liệu ông Can có liên hệ với các nạn nhân hay không. “Chúng tôi nghe nói có thể có liên hệ nào đó, nhưng tôi chưa thể xác nhận,” ông nói.
Ông Can, vốn sinh ra ở Việt Nam, theo hồ sơ di trú, dường như đã di dân sang Mỹ vào cuối những năm 1980. Ông đã nhập tịch vào năm 1990 hoặc 1991. Ông kết hôn vào tháng 6 năm 2001 và ly dị vào tháng 5 năm 2006, theo hồ sơ tòa án.
Vài năm trước ông thường xuyên có mặt tại phòng nhảy nơi xảy ra vụ xả súng và thường có hiềm khích với những người ở đó, trong lòng nuôi nỗi bất bình trong nhiều năm, theo một người đàn ông từng là bạn với ông Can và đã đến Star Ballroom một vài lần cùng với ông ta.
“Tôi rất ngạc nhiên,” người này, có tên là Adam Hood, nói về cảm giác của ông khi nghe tin về vụ thảm sát. “Nhưng đồng thời, tôi cũng không ngạc nhiên. Tôi ngạc nhiên, vì đây là vụ thảm sát khủng khiếp, rằng ai đó có thể gây ra vụ này. Khi tôi nói rằng tôi không ngạc nhiên, bởi vì nếu tôi biết rõ về ông ta thì tôi biết chuyện này sớm muộn gì cũng xảy ra.”