Tình cảm đau thương của người dân miền Bắc Việt Nam cách nay tròn 50 năm khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (2/9/1969) là ‘tình cảm hoàn toàn tự nhiên, chân thật’ chứ ‘không phải là sự trình diễn theo mệnh lệnh hay sự cưỡng ép của chính quyền’, theo nhận xét của một nhân chứng với VOA.
Việt Nam vừa tổ chức các sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày mất của Hồ Chí Minh cũng đồng thời là 50 năm thực hiện di chúc của ông. Tại buổi lễ kỷ niệm tại Hà Nội hôm 30/8, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ca ngợi vị lãnh tụ đã sáng lập đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ‘ngọn cờ quy tụ sức mạnh toàn dân tộc’ và ‘tiếp thêm sức mạnh, nguồn năng lượng to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam’.
‘Không có ai ép buộc’
Trao đổi với VOA nhân dịp này, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, nhà bất đồng chính kiến với chính quyền Hà Nội hiện đang sống lưu vong ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, thuật lại những cảm giác của ông và những gì ông chứng kiến ở Hà Nội cách nay 5 thập niên.
Ông Vũ nói rằng bản thân ông và gia đình ông ‘có tình cảm đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh’ do ông Hồ Chí Minh là người đứng ra tổ chức hôn lễ cho bố ông là nhà thơ Cù Huy Cận, một Bộ trưởng trong chính phủ và là người rất thân cận với ông Hồ, với mẹ ông là bà Ngô Thị Xuân Như, y tá riêng được cử ra chăm sóc sức khỏe cho ông Hồ.
“Bản thân tôi từ khi còn nhỏ mỗi năm cứ đến ngày 1/6 là được vào Phủ Chủ tịch được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp cùng các em thiếu nhi khác. Chúng tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ăn kẹo và được xem phim,” ông Vũ thuật lại.
Ông cho biết những ngày trước khi ông Hồ mất thì bố ông ‘mỗi lần đi làm về đều có khuôn mặt rất buồn và nói là ‘chắc cụ không qua được’’. “Cả gia đình tôi lúc đó có tâm trạng rất đau buồn,” ông nói.
Ông thuật lại ngày đưa tang ông Hồ ở Hà Nội: “Bản thân tôi khóc rất nhiều. Ra đường nhìn chung quanh tôi thấy rất nhiều người từ người lớn cho đến thiếu nhi đều khóc hết. Mắt ai cũng đỏ và sưng.”
“Chúng tôi coi sự ra đi vĩnh viễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh như là sự ra đi của người thân trong gia đình,” ông nói thêm. “Đến ngày tổ chức tang lễ, dù không ai bảo ai, dù không có loa kêu gọi mọi người dự tang lễ nhưng tất cả mọi người đều tự động đến Quảng trường Ba Đình từ rất sớm.”
Ông Vũ nói lúc đó dù còn nhỏ nhưng ông ‘đã đi một mình, hòa vào dòng người đổ xô đến Quảng trường Ba Đình’.
Khi được hỏi có ‘yếu tố trình diễn’ nào trong sự tiếc thương này hay không, ông Vũ khẳng định đó là ‘tình cảm rất tự nhiên’.
“Tôi khẳng định là trong buổi đưa tang không có bất cứ lời hiệu triệu nào. Tất cả chúng tôi đều đổ ra đường. Thậm chí số lượng người quá đông đến mức các đội bảo vệ, công an cũng không ngăn được hay đảm bảo trật tự được,” ông cho biết. “Tất cả quân nhân cũng nén nước mắt trong lòng để hướng dẫn chúng tôi giữ trật tự.”
Tuy nhiên, ông Vũ cũng thừa nhận rằng ‘cũng có những khối người đã được chuẩn bị từ trước như quân đội, phụ nữ, công nhân, công an’. “Còn đến cả triệu người còn lại là người dân đến từ các vùng miền khác nhau,” ông nói.
Khi được hỏi điều gì đã làm cho người dân miền Bắc lúc đó tôn kính ông Hồ Chí Minh như vậy, ông Vũ nói ông Hồ Chí Minh ‘không chỉ là lãnh đạo nhà nước mà còn là lãnh tụ tinh thần của người dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, là động lực động viên tinh thần người Việt Nam tham gia vào hai cuộc chiến tranh’.
‘Người yêu nước’
Về việc ông Hồ Chí Minh đưa chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam và thành lập đảng Cộng sản, ông Vũ cho rằng ông Hồ là ‘người có tinh thần dân tộc hơn là tinh thần cộng sản’.
“Hồ Chí Minh là người yêu nước như tuyệt đại đa số những người Việt Nam khác. Trong bối cảnh Việt Nam đang quằn quại dưới chế độ thực dân thì Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách để đưa Việt Nam thoát khỏi chế độ đó, trong đó có giải pháp ôn hòa như tham gia vào hoạt động của những người Việt Nam yêu nước tại Paris,” ông phân tích.
“Ông Hồ Chí Minh mang trên mình hai án tử hình của thực dân Pháp và của triều Nguyễn, cho nên không có gì có thể bác bỏ rằng Hồ Chí Minh là một trong những người Việt Nam yêu nước nhất,” ông nói.
“Thành ra chuyện sau này đi đến chủ nghĩa cộng sản cũng nằm trong sự yêu nước của Hồ Chí Minh sau khi bị các nhà lãnh đạo thế giới làm ngơ trước kiến nghị 8 điểm của người dân Việt Nam tại Hội nghị Versaille (vào năm 1919 để chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ Nhất), Hồ Chí Minh không còn con đường nào khác phải tìm đến các tổ chức cách mạng triệt để hơn.”
“Ông Hồ Chí Minh đã trả lời phóng viên Pháp vào thời điểm đó rằng ông ‘không hiểu gì về chủ nghĩa cộng sản’ nhưng ‘nhận thấy Đệ Tam Quốc tế chủ trương giải phóng thuộc địa nên tôi đi theo’,” ông Vũ nói thêm.
Cũng theo lời ông Vũ, chính vì lập trường ‘không quan tâm đến đấu tranh giai cấp’ nên ông Hồ bị các lãnh đạo thời kỳ đầu của đảng Cộng sản như các Tổng bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập chỉ trích là ‘không phải người cộng sản thực thụ’ và ‘không được làm ủy viên trung ương’.
“Thậm chí ông Hồ còn chống lại đấu tranh giai cấp cho nên Stalin (lãnh tụ Liên Xô) luôn coi Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa chứ không phải người cộng sản vốn yêu cầu đặt đấu tranh giai cấp lên hàng đầu,” ông Vũ tiếp lời.
“Hồ Chí Minh luôn chủ trương tập hợp tất cả các thành phần cho dù là nhà tư bản, đại địa chủ vào một mặt trận thống nhất chống thực dân Pháp,” ông nói thêm. “Giai đoạn đó không có nhà tư sản, địa chủ nào bị đấu tố và bị tước hết tài sản cả.”
“Chỉ khi Trung Quốc đưa các cố vấn sang sau năm 1950 thì Chính phủ Hồ Chí Minh mới phạm những sai lầm nghiêm trọng (trong cải cách ruộng đất).”
Khi được hỏi trong thảm họa cải cách ruộng đất thì ông Hồ có phải chịu trách nhiệm hay không, ông Vũ nói: “Với tư cách là người đứng đầu đảng Lao động Việt Nam và chính phủ thì đương nhiên Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm đáng kể.”
Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng ông Hồ phạm sai lầm như vậy là ‘do chịu sức ép của Trung Quốc’.
Ông Vũ kể ông đã có dịp tiếp xúc với các cố vấn Trung Quốc trong đợt họ sang Việt Nam kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và hỏi các cố vấn này về cải cách ruộng đất và được trả lời rằng ‘việc cải cách ruộng đất đến từ chúng tôi (các cố vấn Trung Quốc)’ và rằng ‘Hồ Chí Minh bị các cố vấn cấp cao của Trung Quốc áp đảo nên dù ông phản đối nhưng cũng phải nghe theo’.
‘Không muốn thần thánh hóa’
Sự thần thánh hóa, hay sùng bái cá nhân, ông Hồ Chí Minh, phải chăng là do bản thân ông Hồ chủ trương hay là sản phẩm của sự tuyên truyền từ đảng Cộng sản? Đáp câu hỏi này, ông Vũ cho rằng ‘một phần là tín ngưỡng của người dân đối với Hồ Chí Minh’ và ‘một phần là do tuyên truyền’.
“Trong các cuộc cách mạng đám đông quần chúng đi theo đều trông chờ lãnh tụ, cho nên một ai đó được lên đến mức cao như một ông thánh là điều bình thường,” ông Vũ nói.
“Tiếng tăm của Hồ Chí Minh giai đoạn đó gắn liền với các hoạt động yêu nước của Nguyễn Ái Quốc (tên giả của Hồ Chí Minh lúc hoạt động ở hải ngoại từ 1911-1941). Người dân Việt Nam đã nghe tiếng Nguyễn Ái Quốc từ lâu nay được biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc thì họ nghĩ đến hình ảnh một vị lãnh tụ kiệt xuất là điều đương nhiên không thể bàn cãi,” ông Vũ phân tích.
“Họ nhìn Hồ Chí Minh với con mắt của tín đồ đối với vị Thánh.”
Về việc di nguyện của Hồ Chí Minh là muốn được hỏa táng nhưng ban lãnh đạo đảng Cộng sản lúc đó đã không làm theo mà cho ướp xác và xây lăng, ông Vũ cho rằng việc làm đó ‘có cái lý’ của nó.
“Trong giai đoạn đó cuộc chiến tranh thống nhất đất nước vẫn chưa hoàn thành thì việc gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh để đáp ứng và động viên tinh thần của người Việt Nam nói chung và nhất là người miền Nam không có điều kiện sống với Hồ Chí Minh là một quyết định chính trị,” ông giải thích.
Ông Vũ cho rằng việc ướp xác này có tác dụng ‘động viên những người đang chiến đấu tiếp tục cuộc chiến tranh thống nhất đất nước để có ngày ra thăm di hài Chủ tịch Hồ Chí Minh mà họ hằng ngưỡng mộ’.
Có nghi vấn rằng việc đảng Cộng sản Việt Nam gìn giữ, phát huy hình ảnh và di sản của ông Hồ Chí Minh là lợi dụng sự sùng bái ông Hồ để duy trì sự thống trị của đảng và ông Vũ cho rằng ‘đó là điều bình thường’.
“Tổ chức đảng đó do Hồ Chí Minh lập ra thì đương nhiên họ phải giữ gìn và phát huy cao nhất hình ảnh Hồ Chí Minh,” ông nói.
Theo ông Vũ, ‘tư tưởng Hồ Chí Minh có những điều đáng trân trọng được kết tinh trong khẩu hiệu Độc lập-Tự do-Hạnh phúc,’ nhưng, vẫn theo lời ông, mặc dù Việt Nam đã là một nước độc lập nhưng người dân Việt Nam ‘chưa có tự do và hạnh phúc’.
“Khi hệ thống chủ nghĩa xã hội đã tan rã, mô hình độc tài cộng sản không phải là mô hình hấp dẫn để đi theo nữa thì họ (đảng Cộng sản) cần phải phát huy hình ảnh và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan điểm tư tưởng của ông là ‘Độc lập-Tự do-Hạnh phúc’ trong chính thể dân chủ đa đảng,” ông Vũ kêu gọi.