Tổ chức Văn bút (PEN) của Đức vừa phong blogger, nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang làm “thành viên danh dự” và yêu cầu Việt Nam phóng thích bà Trang ngay lập tức.
“Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới đặc biệt hạn chế quyền tự do ngôn luận. Đảng Cộng sản khủng bố những người làm truyền thông rất tàn nhẫn và nghiêm trọng, nên bà Trang đã bị cấm liên lạc với gia đình và luật sư của bà”, ông Ralf Nestmeyer, Phó Chủ tịch kiêm Đại diện Ủy ban “Những người cầm bút bị giam cầm” của PEN nói trong thông cáo báo chí ngày 18/5.
Nhắc đến bà Phạm Đoan Trang trong cương vị là người sáng lập tạp chí trực tuyến “Luật Khoa” và biên tập viên của trang “theVietnamese”, tổ chức của Đức nhận định bà Trang “là một trong những người chỉ trích chính phủ Việt Nam được biết tiếng nhiều nhất”, đã giúp cho người dân Việt Nam dễ dàng hiểu về luật pháp, bảo vệ quyền lợi của họ và chống lại sự cai trị độc đoán của Đảng Cộng sản.
Bà Phạm Đoan Trang bị bắt vào ngày 6/10/2020, bị khởi tố về các tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và tội “làm, phát tán thông tin nhằm chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Bà hiện đang phải đối mặt với án tù lên đến 20 năm vì các cáo buộc trên.
Một tháng trước khi bị bắt, bà Trang và cộng sự đã công bố “Báo cáo Đồng Tâm”, một ấn phẩm dày 128 trang bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh với nội dung về vụ đụng độ giữa công an và người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, vào đầu tháng 1/2020 do tranh chấp đất đai, khiến ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm, và ba công an thiệt mạng. Đây được xem là nguyên nhân dẫn đến vụ bắt giữ nhà báo độc lập này.
“Vì công việc của mình, bà Trang nhiều lần lọt vào tầm ngắm của các cơ quan chức năng Việt Nam. Vào tháng 8 năm 2018, bà bị cảnh sát giam giữ và phải nhập viện. Giờ đây, bà lại có nguy cơ bị ngược đãi trong tù”, tổ chức PEN nói trong thông cáo.
Bà Phạm Đoan Trang từng nhận được học bổng Feuchtwanger của Villa Aurora ở Los Angeles vào năm 2014, nhưng bà đã từ chối ở lại Hoa Kỳ sau khi hoàn thành việc học.
Sau khi trở về nước, ngoài việc điều hành các trang mạng trực tuyến trên, bà Phạm Đoan Trang còn cho ra đời nhiều ấn phẩm gây tiếng vang như Chính trị bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực… trong điều kiện phải lẩn trốn và ẩn náu ở nhiều nơi.
Năm 2017, bà Trang được tổ chức People In Need trao giải thưởng Homo Homini và vinh danh bà như “một trong những nhân vật hàng đầu trong giới bất đồng chính kiến của Việt Nam đương đại”.
Năm 2019, bà được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới trao giải thưởng “Tự do báo chí” với hạng mục “Tầm ảnh hưởng” vì những hoạt động truyền thông đặc biệt hiệu quả “bất chấp những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất” và cả “những đe dọa đến tính mạng, thân thể”.