Vết đen dưới móng chân

Vết đen dưới móng chân

Thính giả Quỳnh Nga hỏi:

“Kính thưa Bác sĩ,

Em bị hiện tượng đen ngón chân là bệnh gì ạ?

Em là Quỳnh Nga năm nay 38 tuổi. Em bị đen đầu hai bên ngón chân cái khoảng 2 tháng. Em muốn khám bệnh ở Hà Nội.

Bệnh này có sao không ạ?"

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Your browser doesn’t support HTML5

Vết đen dưới móng chân

Đây là một trường hợp cần bác sĩ khám trực tiếp. Sau đây chỉ là một số nhận xét tổng quát.

Móng tay chân người tương đương với móng vuốt ở thú vật và cấu tạo bởi chất alpha keratin, một protein cứng và bền bỉ. Ở phía gốc móng (nail root) và nằm phía dưới móng có bộ phận matrix chứa các mạch máu, dây thần kinh và mạch lympho. Matrix là nơi sản xuất các tế bào tạo nên móng. Lunula (“mặt trăng nhỏ”) là phần hình lưỡi liềm nằm ở gốc móng (nail root) nhìn từ trên xuống; đây là phần matrix mà nhìn thấy được từ bên ngoài.

1) Một vết đen 2-3 mm ở móng của ngón chân cái, nằm phía trước móng (distal), hay một bên bờ của móng (lateral), không xâm phạm hay xuất phát từ gốc của móng (có matrix nằm ở dưới) có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu ngón chân vừa bị chấn thương gần đây, có thể đây là một khối máu chảy dưới móng chân, máu bầm nên chuyển qua màu đen. Với thời gian vài tuần, vết đen sẽ được đẩy về phía trước và dần dần biến mất sau vài tháng.
2) Một khả năng khác là nhiễm trùng dưới móng chân, nhất là ở đây xảy ra cả hai bên phải và trái, vết đen nằm tiếp giáp bờ móng, bên phải nằm phía trước ngón, bên trái nằm bên hông ngoài của móng.

Hội chứng móng (tay hay chân) xanh:

Một số hoàn cảnh thuận tiện để móng bị nhiễm vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, rất phổ biến trong môi trường (bồn rửa tay, jacuzzi, nước ngâm sát trùng contact lenses, mút/sponge chà da lúc tắm;

- ẩm ướt: người làm nhà hàng ăn, nấu bếp, thợ giặt, mang giày bít mũi giày kín và lâu, chật như lính mới, cầu thủ đá banh.

- có khoảng hở giữa móng và nền móng, thường gặp ở người làm vườn, người dọn dẹp nhà (janitor), thợ ống nước, thường bị các chấn thương nhỏ, lập đi lập lại vào móng.

Pseudomonas sản xuất chất màu xanh tên pyocyanin hay pyoverdin, làm móng có màu xanh lá cây hay xanh đen (chloronychia).

Hội chứng móng xanh (green nail syndrome) đáp ứng tốt với điều trị. Trị liệu bao gồm cắt phần móng bị bong ra, giữ cho móng khô và tránh chấn thương cho khu vực này. Thuốc kháng sinh thoa tại chỗ, chẳng hạn như bacitracin hoặc polymyxin B, bôi 2 đến 4 lần mỗi ngày, liên tục trong 1- 4 tháng. Ngoài ra, thuốc tẩy chlorine (chlorine bleach), pha loãng 1: 4 với nước, ngăn chặn sự phát triển của P. aeruginosa , có thể dùng khi bôi vào móng bị bịnh. Giấm (axit axetic) cũng có tác dụng tốt. Đôi khi, có thể cần phải cắt bỏ móng, nếu điều trị bảo thủ thất bại. Nếu cần phải uống một loại kháng sinh có tác dụng cho Pseudomonas, như ciprofloxacin (cho người lớn).

3) Nhiễm trùng có thể do nấm (fungal infection), trong trường hợp này móng bị dày ra, có những vảy li ti dưới móng giống như lớp bột, các vệt vàng, trắng dọc theo móng, hay móng gồ ghề, tróc vảy, có chấm vàng ở gốc móng. Ít khi thấy móng đen hoặc xanh do nấm. Các nấm gây bịnh có thể là nấm gây ra bịnh nấm ngoài da, lở ở háng (jock itch), nấm ở kẻ giữa các ngón chân (athlete's foot, "nước ăn chân"). Nấm ở sẵn trong da người bình thường, nẩy nở nhiều ở chân hơn là tay vì chân mang giày bí hơi và ẩm ướt hơn. Phái nam nhiều hơn nữ. Nữ giới có thể mang móng giả, đi làm móng và bị lây nhiễm từ người khác nếu các dụng cụ khử trùng không kỹ. Những người già trên 65 tuổi, người bị tiểu đường, bị bịnh máu lưu thông kém ở chân, hay dùng hồ tắm công cọng cũng dễ mắc bịnh hơn.

Định bịnh: bác sĩ có thể cắt móng và quan sát mẫu bịnh trong dung dịch KOH để tìm nấm, hay cấy mẫu móng chân để tìm nấm, mất vài tuần mới có kết quả.

Điều trị:

  • Thường bịnh nhân cần phải uống thuốc chống nấm, ví dụ:
    terbinafine (Lamisil)
    itraconazole (Sporanox)
    fluconazole (Diflucan)
    griseofulvin (Gris-Peg)
  • Hoặc có thể dùng thuốc chống nấm thoa trên móng (antifungal nail lacquer or topical solutions) , làm như sơn móng chân, dùng trong nhiều tháng, ít hiệu nghiệm hơn là uống thuốc, nhất là đối với móng chân cái.
  • Thuốc thoa: (Topical therapy for onychomycosis):
    Ciclopirox olamine 8% (Nail Lacquer solution)
    Amorolfine or bifonazole/urea (không được chấp nhận ở Mỹ)
    Efinaconazole 10% topical solution (JUBLIA) (the first FDA-approved topical triazole for toenail onychomycosis)
    Tavaborole 0.5% topical solution, an oxaborole solution (boron-containing compound)

Nói tóm lại, ở người 38 tuổi, mạnh khoẻ, chúng ta có thể nghĩ đến đầu tiên ở lứa tuổi này là chảy máu cũ dưới móng chân. Đợi chừng vài tuần nếu điểm đen này di chuyển từ từ ra phía ngoài thì đúng. Nhiễm trùng do Pseudomonas có thể gây những vết xanh đen dưới móng tương tự (green nail syndrome).

Nếu không, khả năng kế tiếp mà bác sĩ cần nghĩ đến là nốt ruồi lành tính hay ác tính nằm dưới móng (melanocytic nevus, melanoma). Một vết đen dưới móng ở người 38 tuổi ít khả năng ác tính hơn ở người 50-70 tuổi. Người Á châu ít bị melanoma hơn người da trắng, mặc dù một khi đã bịnh thì dễ bị ở móng tay, móng chân hơn. Matrix là nơi xuất phát các tế bào ung thư hắc tố (malignant melanoma). Lúc bác sĩ làm sinh thiết (biopsy), người ta sẽ cắt da ở gốc móng, cắt phần móng ở dưới da, và lấy một miếng mô từ matrix này.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 19 tháng 1 năm 2019

References:

1) The Dilemma Of Nail Pigmentation
https://www.the-dermatologist.com/article/3366

2) Nail matrix melanoma: consecutive cases in a general practice

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3663335/

3) https://www.aocd.org/page/GreenNailSyndrome

4) Treating Onychomycosis

https://www.aafp.org/afp/2001/0215/p663.html

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.