Ba trong số 152 khách du lịch Việt Nam “mất tích” cuối tuần trước đã bị bắt hôm 26/12, theo Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan (NIA).
Theo thông cáo đăng trên trang web của cơ quan chuyên trách vấn đề xuất nhập cảnh này hôm 27/12, ngoài ba người bị giữ, chính quyền địa phương đã tìm ra 4 người, trong đó có một người không bỏ trốn và ba người khác đã tự ý rời Đài Loan, hiện các nhóm đặc nhiệm vẫn tiếp tục truy tìm 145 người.
NIA cho biết rằng ba người bị bắt đã được giao cho cơ quan công tố xử lý các sai phạm theo các luật về di trú, phòng chống buôn người và lao động trái phép.
Ngoài ra, cơ quan này cho hay đã huy động lực lượng điều tra về khả năng có sự dính líu của các nhóm tội phạm.
Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan cho biết đã thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam để truy tìm những người vẫn còn bỏ trốn cũng như những kẻ đồng lõa.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 26/12 đăng thông cáo trên trang web, cho biết rằng “Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã liên hệ với các cơ quan chức năng của Đài Loan đề nghị cung cấp thông tin, làm rõ vụ việc và phối hợp giải quyết, không để ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và giao lưu của người dân”.
XEM THÊM: 152 du khách Việt ‘mất tích' ở Đài LoanThông báo viết tiếp: “Các cơ quan chức năng của Đài Loan cho biết đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc; trước mắt dự kiến tạm dừng việc cấp thị thực đoàn đối với công ty lữ hành International Holidays Trading Travel do đã để xảy ra tình trạng trên. Bộ Ngoại giao cũng đã đề nghị Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan trong nước phối hợp xử lý vụ việc”.
Tin cho hay, đây được coi là vụ du khách “biến mất” đồng loạt lớn nhất kể từ khi Đài Loan bắt đầu thực thi chương trình visa có tên gọi là Quan Hồng năm 2015.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, đây là dự án thị thực điện tử miễn phí không cần phải chứng minh tài chính và việc làm nhằm thúc đẩy các du khách tới Đài Loan theo nhóm từ các nước như Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia và Miến Điện. Tuy nhiên, các nhóm du khách chỉ có thể xin visa thông qua các công ty lữ hành đã được Đài Loan cho phép.
Theo NIA, Bộ Nội vụ Đài Loan sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên trách về du lịch và Bộ Ngoại giao để xem xét toàn diện nhằm đảm bảo tính hiệu quả của chương trình Quan Hồng.
Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao của Đài Loan, chưa hồi đáp trước một đề nghị phỏng vấn của VOA tiếng Việt.
Chuyện du khách Việt “mất tích” trở thành thông tin được nhiều người đọc nhất trên hầu hết các trang báo của Đài Loan cũng như Việt Nam trong những ngày qua.
Vụ việc đã gây ra tranh luận trên mạng xã hội cũng như phần bình luận của nhiều cơ quan báo chí tiếng Việt.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, “Đài Loan và Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam trong năm 2017”.
Thống kê của Bộ này cho biết rằng tính đến hết năm ngoái, “số lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan hơn 206.000 người, trong đó lao động làm việc trong ngành sản xuất công nghiệp chiếm trên 87% và dịch vụ xã hội chiếm 13%”.