William Nguyễn, công dân Mỹ gốc Việt bị cầm giữ ở Việt Nam trong các cuộc biểu tình chống dự luật về đặc khu và an ninh mạng hôm 10/6, đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước vào đêm 18/6, thừa nhận rằng anh đã “vi phạm luật pháp Việt Nam”.
Bằng tiếng Việt ngập ngừng, chàng thanh niên gốc Việt ra đời ở bang Texas, Hoa Kỳ, hứa sẽ “không tham gia các hoạt động “chống phá”…nữa, đồng thời bày tỏ hối hận là các hành động của anh đã gây rắc rối cho gia đình, bạn bè...”
Cảnh sát cáo buộc Will Nguyễn về tội “gây rối trật tự công cộng”, tìm cách phá một rào cản, và lật nhiều xe cảnh sát trên con đường chính dẫn tới sân bay. Will thừa nhận anh đã gây rối, “cản trở giao thông, gây khó khăn cho những người ra phi trường”.
VOA-Việt ngữ đã tiếp xúc với gia đình của Will Nguyễn để tìm hiểu phản ứng của gia đình về những lời nhận tội của Will trên truyền hình nhà nước Việt Nam, nhưng trong cuộc tiếp xúc ngắn với mẹ của Will, bà Vân Nguyễn, vào sáng ngày 19/6 giờ miền Đông Hoa Kỳ, bà từ chối bình luận mà chỉ nói rằng “gia đình bây giờ chỉ tập trung vào một điều duy nhất, đó là vận động cho Will được trả tự do” sớm nhất có thể.
Hình ảnh Will Nguyễn, máu chảy một bên mặt, bị nhiều người kéo lê lôi đi, rồi bị tống lên một chiếc xe đưa về đồn công an hôm 10/6, đã gây rất nhiều chú ý, không những trong các cộng đồng Mỹ gốc Việt, mà cả trong giới truyền thông chính mạch.
Tốt nghiệp đại học Yale nổi tiếng của Mỹ, Will Nguyễn, 32 tuổi, đã ghé qua Việt Nam trong khi chờ lãnh bằng thạc sĩ của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore.Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ vào tuần trước, bà Vân nói Will chỉ nhập vào đám đông biểu tình vì tính hiếu kỳ. Bà cực lực bác bỏ những tin đồn trên mạng nói rằng Will là thành viên của một tổ chức bị cấm hoạt động ở Việt Nam.
Bà khẳng định:
“Mình là mẹ của Will, mình biết chắc là Will không thuộc một đảng phái nào hết. Will chỉ là một sinh viên bình thường đang đi học, và chờ ngày ra trường, lãnh bằng. Ngày lễ ra trường dự định là vào giữa tháng 7, trong thời gian này thì Will chỉ muốn đi vacation thôi. Will đi Việt Nam vì thích cảnh của Việt Nam, Will thích thức ăn Việt Nam, Will thích văn hóa Việt Nam tại vì Will cũng học về Á Châu thành ra Will đi Việt Nam cũng là một phần để tìm hiểu, mà cũng là một phần enjoy.”
Một người bạn có mặt trong cuộc biểu tình nói với giới truyền thông rằng sáng ngày 10/6 Will đi gym về, chỉ mang hai chai nước trong tay, tình cờ chứng kiến cuộc biểu tình hiếm hoi ở Việt Nam nên tham gia với tư cách một người quan sát, và chụp hình để chia sẻ, anh không mang biểu ngữ hay hô hào gì. Nói với phóng viên BBC, người bạn cho biết Will đã dẹp xe máy cản đường sang một bên- vì bản tính vốn thích giúp người khác, nhất là người già và trẻ em.
Trước khi bị bắt, Will Nguyễn đã tải lên Twitter một số hình ảnh live của cuộc biểu tình ngày 10/6, anh chia sẻ thêm là anh ủng hộ quyền của người dân Việt Nam được “thực thi nghĩa vụ công dân của mình để biểu tình chống bất công.”
Gia đình và bạn bè của Will Nguyễn đang vận động các nhà lập pháp ở Washington để Will được trả tự do đều khẳng định Will không theo đuổi một nghị trình chính trị nào.
Tin này đã gây rất nhiều chú ý. Những diễn biến liên quan như Will bị cáo buộc, rồi truy tố về hành vi “gây rối trật tự công cộng”, những cuộc tiếp xúc của tòa lãnh sự Mỹ ở Việt Nam với Will, các nỗ lực vận động để Will Nguyễn sớm được phóng thích, được rất nhiều người theo dõi.
hiện tượng những người bị nhà nước khép là tội phạm lên truyền hình nhà nước “công khai nhận tội theo kịch bản khá là phổ biến”...các tổ chức nhân quyền có lúc tố cáo nhà nước độc đảng đã “ép cung” để buộc họ nhận tội.Bản tin AFP
Đưa tin này hôm 19/6, hãng tin AFP nói rằng hiện tượng những người bị nhà nước khép là tội phạm, lên truyền hình nhà nước “công khai nhận tội theo kịch bản" khá làphổ biến, đôi khi để đánh đổi một bản án nhẹ hơn, mặc dù các tổ chức nhân quyền có lúc tố cáo nhà nước độc đảng đã “ép cung” để buộc những người này nhận tội.
Ít nhất còn 30 người bị cầm giữ, và các lực lượng công an đã dàn hàng hùng hậu ở thành phố HCM và những nơi khác vào cuối tuần rồi để ngăn chặn biểu tình.
Hội Ân xá Quốc tế nói họ đã nhận được những tin tức “rất đáng lo ngại” rằng nhiều người biểu tình đã bị tra tấn trong thời gian bị câu lưu.
Giám Đốc đặc trách hành động toàn cầu của Hội Ân xá Quốc tế, Minar Pimple nói:
“Chúng tôi kêu gọi giới hữu trách Việt Nam hãy lập tức mở một cuộc điều tra chi tiết và có hiệu quả để tìm hiểu nội vụ, và buộc bất cứ ai chịu trách nhiệm về những hành vi đó (tra tấn) phải chịu trách nhiệm về hành động của họ.”