Mỹ vinh danh các phụ nữ dũng cảm vào Ngày Quốc tế Phụ nữ

  • Scott Stearns

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama chụp hình chung với các phụ nữ nhận giải Phụ Nữ Dũng cảm vào Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2012

Hôm thứ năm chính phủ Hoa Kỳ đánh dấu Ngày Quốc tế Phụ nữ bằng cách vinh danh 10 phụ nữ tranh đấu cho nhân quyền và bình đẳng.

Trao tặng giải Quốc Tế Phụ Nữ Dũng Cảm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói tranh đấu cho quyền bình đẳng của nữ giới không chỉ là một điều chính đáng cần làm, mà còn là một điều khôn ngoan. Bà nói:

”Cải thiện đời sống cho nữ giới là cải thiện đời sống cho gia đình họ, củng cố cộng đồng họ sống và thực sự tạo thêm được cơ hội cho tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng. Chúng ta biết đầu tư vào công ăn việc làm cho phụ nữ, vào sức khỏe và trình độ học thức đưa tới sự phát triển kinh tế rộng lớn hơn trên một bình diện bao quát.

Phụ nữ hiện chiếm hơn 40% lực lượng lao động toàn cầu

- Khoảng cách biệt giới tính về giáo dục sơ cấp đã thu ngắn ở gần như tất cả các nước. Về giáo dục trung cấp, các khoảng cách này đang thu ngắn nhanh và đã đảo ngược ở nhiều nước.

-Từ năm 1980, phụ nữ sống lâu hơn nam giới ở mọi nơi trên thế giới. -Phụ nữ nắm quyền kiểm soát các nguồn lực trong gia đình có thể nâng cao triển vọng tăng trưởng của các nước.

Nhưng

- Khả năng tử vong nơi phụ nữ có phần cao hơn, so với nam giới, ở các nước có mức thu nhập thấp hoặc trung bình, so với các nước giầu.

- Có nhiều phần chắc hơn so với nam giới là phụ nữ phải làm công việc trong nhà hay trong lãnh vực không chính thức mà không được trả lương.

- Đối với phụ nữ nghèo ở những nơi nghèo, khoảng cách biệt giới tính đáng kể vẫn còn và cách biệt giới tính về sản xuất và thu nhập rất phổ biến.

- Ở nhiều nước, phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, có ít tiếng nói hơn trong các quyết định, và nắm ít quyền kiểm soát hơn đối với các nguồn lực trong gia đình.

Trong số những phụ nữ nhận giải năm nay có một thành viên hội đồng tỉnh tại Afghanistan, bà Maryam Durani, vận động cho quyền bình đẳng kinh tế, và thiếu tá cảnh sát Pricilla de Oliveira Azevedo, là người đã dẹp bỏ những băng đảng ma túy và đang hành động để cải thiện vấn đề chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho phụ nữ.

Nhà hoạt động tranh đấu chính trị Miến Điện, bà Zin Mar Aung, được trao giải vì những nỗ lực của bà cổ vũ cho dân chủ và quyền của các nhóm sắc tộc thiểu số.

Ký giả người Colombia Jineth Bedoya Lima được ghi công vì điều bà làm để đưa ra ánh sáng vấn đề bạo lực tính dục và vũ lực nhắm vào nữ giới sau khi bà bị cưỡng hiếp tập thể trong lúc viết bài điều tra về chuyện buôn lậu vũ khí.

Nhà hoạt động chính trị và là kiến trúc sư, bà Hana ElHebshi người Libya, được vinh danh do đã thu thập tài liệu về vấn đề bạo động trong cuộc cách mạng của quốc gia bà.

Nhà hoạt động tranh đấu cho nhân quyền Pakistan, bà Shad Begum, được ghi công đã cung ứng huấn luyện chính trị, giáo dục và những cơ sở cho vay vốn nhỏ tại một trong những vùng bảo thủ nhất ở quốc gia của bà.

Nhà hoạt động chính trị của Ả Rập Saudi, bà Samar Badawi được trao giải nhờ phát động những chống đối về mặt pháp lý đối với những luật lệ hạn chế quyền của phụ nữ trong vấn đề hôn nhân, việc làm hay đi lại mà không có sự cho phép của một người bảo hộ thuộc nam giới.

Nhà hoạt động tranh đấu cho nhân quyền người Sudan Hawa Abdhallah được ghi công vì đã lên tiếng cho quyền của những thường dân phải bỏ nhà chạy loạn ngay trong nước từ khu vực Darfur.

Đại biểu Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Safak Pavey được vinh danh vì cổ vũ cho quyền của người tật nguyền, cho phụ nữ và người thiểu số ở Trung Đông, nam Á và châu Phi.

Cùng với Ngoại trưởng Clinton tại lễ trao giải, đệ nhất phu nhân Michelle Obama nói những phụ nữ này đã khước từ không chấp nhận nguyên trạng của thế giới có nhiều điều cần sửa đổi. Bà nói:

”Họ chứng kiến nạn tham nhũng, và họ tìm cách đưa chuyện này ra ánh sáng. Họ chứng kiến áp bức, và họ tìm cách chấm dứt tệ nạn đó. Họ chứng kiến bạo hành, nghèo đói, kỳ thị và bất bình đẳng, và họ quyết định dùng tiếng nói và mạng sống để làm được điều gì đó giúp giải quyết. Ngày nọ qua ngày kia, những phụ nữ này đã đứng dậy và nói lên những điều không ai có thể nói hay muốn nói. Năm này qua năm khác, họ phải chịu đựng những gian khổ mà ít ai trong chúng ta có thể chịu đựng.”

Ngoại trưởng Clinton kêu gọi những người được trao giải năm nay hay những người nhận giải trong những năm trước, nam giới và nữ giới, ở tất cả mọi nơi hãy tiếp tục tranh đấu cho quyền bình đẳng nam nữ. Bà nói:

“Chúng ta muốn có tiếng nói lớn dần, một bản đồng ca quốc tế rõ ràng, dứt khoát rằng phụ nữ và trẻ gái xứng đáng được hưởng những quyền và những cơ hội như cha, anh hay con trai của họ.”

Kể từ năm 2007, Giải thưởng Quốc Tế Phụ Nữ Dũng Cảm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã vinh danh phụ nữ ở 34 quốc gia đã chứng tỏ vai trò lãnh đạo trong việc vận động cho nữ quyền.